Sự tích tụ của học tập Hiến pháp.
Trong lời nói đầu của Luật giáo dục cơ bản có viết: “Chúng ta trước hết đề ra Hiến pháp nước Nhật Bản, thể hiện rõ quyết tâm xây dựng quốc gia dân chủ, văn hóa và nỗ lực cống hiến cho hòa bình thế giới và phúc lợi của nhân loại. Việc thực hiện lý tưởng này về cơ bản là nhờ vào sức mạnh của giáo dục”. Trong sức mạnh của giáo dục thì vai trò trung tâm của môn Xã hội và môn Công dân với mục đích hình thành nhận thức xã hội và phẩm chất công dân trở nên rất rõ ràng. Bản Hướng dẫn học tập thông qua môn Xã hội ở trường tiểu học, lĩnh vực công dân thuộc môn Xã hội ở THCS, môn công dân, Xã hội hiện đại, Kinh tế-chính trị ở THPT đã chỉ ra việc tích tụ học tập hiến pháp như sau.
Ở trong môn Xã hội tiểu học, giáo viên làm cho học sinh lý giải được sự tôn trọng nhân quyền cơ bản, chủ quyền quốc dân và chủ nghĩa hòa bình-những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp nước Nhật Bản. Về vị trí của Thiên hoàng như là biểu tượng của quốc gia và thống nhất quốc dân, giáo viên làm cho học sinh hiểu thông qua việc đưa ra các hành vi quốc sự dễ hiểu đối với học sinh. Về quyền lợi của quốc dân, giáo viên làm cho học sinh hiểu quyền tìm kiếm tự do, bình đẳng, hạnh phúc của quốc dân là quyền lợi vĩnh viễn và được bảo đảm và để duy trì nó cần đến sự nỗ lực không ngừng của quốc dân. Bên cạnh đó quốc dân để thực thi phúc lợi công cộng thì còn phải có cả trách nhiệm. Về quyền lợi và trách nhiệm của quốc dân, giáo viên sẽ chỉ đạo học tập bằng việc đưa ra các ví dụ cụ thể trong đời sống hàng ngày.
Trong lĩnh vực Công dân cấp THCS giáo viên làm cho học sinh hiểu sâu sắc về sự tôn trọng con người thông qua việc lấy học tập quyền con người cơ bản làm trung tâm đồng thời làm cho học sinh lý giải các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp nước Nhật Bản nhằm giáo dục nền tảng cách nhìn, cách nghĩ dân chủ. Đặc biệt, để học sinh nhận thức được một cách đúng đắn về mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ từ tầm nhìn rộng lớn xuất phát từ đời sống xã hội thì việc học tập về mối quan hệ giữa các nguyên lý cơ bản của Hiến pháp với đời sống xã hội là cần thiết. Đồng thời làm cho học sinh lý giải được rằng để điều hành đời sống xã hội dân chủ thì việc xác lập chính trị dựa trên luật pháp và bảo vệ luật pháp là rất quan trọng.
Trong môn Xã hội hiện đại ở cấp THPT, giáo viên làm cho học sinh hiểu một cách cụ thể về mối quan hệ giữa các nguyên tắc cơ bản của hiến pháp và đời sống quốc dân từ quan điểm bảo vệ nhân quyền cơ bản và pháp quyền, chủ quyền thuộc về quốc dân và dân chủ theo chế độ nghị viện. Trong môn Kinh tế-chính trị ở THPT giáo viên làm cho học sinh lý giải về các nguyên lý và triết lý của chính trị dân chủ thông qua học tập về chính trị cận đại, sự xác lập và bảo đảm nhân quyền cơ bản, chủ quyền thuộc về nhân dân, dân chủ nghị viện, chế độ phân quyền, chủ nghĩa hòa bình đồng thời giúp học sinh suy nghĩ xem triết lý và nguyên lý đó đã được phát huy như thế nào trong Hiến pháp Nhật Bản từ đó hiểu sâu về tính chất cơ bản của hiến pháp. Khi chỉ đạo học sinh, việc học tập làm rõ ý nghĩa lịch sử của việc chế định Hiến pháp nước Nhật Bản, khảo sát và so sánh với nguyên tắc, nguyên lý của Hiến pháp Đại đế quốc Nhật Bản, so sánh chính trị độc tài và chính trị dân chủ, suy nghĩ về chủ quyền của quốc dân trong mối liên quan với vị trí của Thiên hoàng được ghi trong hiến pháp… là rất hiệu quả. Trong trường hợp đó không nên chỉ dừng lại ở việc học tập về các tổ chức, chức năng mà việc làm cho học sinh siểu về nguyên lý chính trị hay lý luận chính trị sinh ra nó có vai trò quan trọng.
Học tập hiến pháp nghĩa rộng và học tập hiến pháp nghĩa hẹp.
Trong học tập hiến pháp có hai hình thức là học tập hiến pháp nghĩa hẹp tức là học tập về từng điều khoản nội dung của hiến pháp và học tập hiến pháp theo nghĩa rộng-lý giải về các nguyên lý của hiến pháp thông qua học tập cụ thể trong đời sống hàng ngày. Học tập hiến pháp trong môn Xã hội và Công dân nói chung là học tập hiến pháp theo nghĩa rộng khi giáo viên làm cho học sinh lý giải được quá trình chế định Hiến pháp Nhật Bản và tư duy tôn trọng con người. Việc chế định hiến pháp Nhật Bản có liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai vì vậy việc chú ý đến bối cảnh và các cải cách là rất quan trọng. Do đó, việc đi sâu vào giải thích từng điều, từng nội dung là không cần thiết mà điều quan trọng là lsy giải tư duy cơ bản của Hiến pháp. Đó không phải là việc làm cho học sinh lý giải lý luận, chế độ một cách đơn giản mà việc làm cho học sinh suy ngẫm về mối quan hệ giữa cuộc sống và hiến pháp là quan trọng. Không nên tiến hành học tập về các nguyên lý của hiến pháp dưới góc độ lý luận mà cần hướng dẫn học sinh quan sát các nguyên lý cơ bản của hiến pháp từ kinh nghiệm và đời sống của bản thân học sinh xem xem nó có liên quan với cuộc sống như thế nào và chúng ta cần phải nỗ lực ở những điểm nào.
Vấn đề sửa đổi hiến pháp.
Ngày nay khi Ủy ban điều tra hiến pháp được lập ra trong quốc hội và tiến hành nhìn nhận lại hiến pháp hiện hành thì trong giờ học ở trường phổ thông trung học không thể không đề cập đến vấn đề sửa đổi hiến pháp. Cùng với các lý luận trước đó như “lý luận hiến pháp tự chủ”, “lý luận sửa đổi điều 9” gần đay lý luận đòi sửa hiến pháp dưới hình thức ủng hộ chủ trương “cống hiến quốc tế” đang dâng cao. Về vấn đề này, trước hết cần nhìn lại quá trình chế định hiến pháp Nhật Bản và hiểu biết thật chính xác về hoàn cảnh chế định hiến pháp. Tiếp theo việc tiến hành điều tra ý kiến đồng ý, phản đối xung quanh vấn đề sửa đổi hiến pháp do chính học sinh tiến hành và lý giải về cả hai ý kiến là rất quan trọng. Giáo viên trước hết cần đưa ra một cách công bằng cả hai phái: hộ hiến (bảo vệ hiến pháp) và cải hiến (cải cách hiến pháp) để học sinh lý giải và không nên thiên vị bên nào. Những giờ học thảo luận về ý thức quốc dân xung quan việc sửa đổi hiến pháp do chính bản thân học sinh điều tra là cần thiết. Chắc chắn trong quá trình tiến hành giờ học, học sinh sẽ hỏi giáo viên về lập trường của bản thân. Trong trường hợp đó giáo viên nên trả lời ngắn gọn và rõ ràng ý kiến của mình tránh việc thuyết minh, giải thích dài dòng.
Nguyễn Quốc Vương dịch từ “Từ điển giáo dục môn Xã hội”