Đọc báo thấy nói người Nhật đọc sách nhiều còn người Việt Nam đọc rất ít. Hơn nữa, chiếm một tỉ lệ lớn trong số những cuốn sách được in ra và được đọc ở Việt Nam lại là …sách giáo khoa.
Kể cũng buồn.
Buồn hơn khi gặp những lý luận hay ý nghĩ kiểu như “Đọc sách không ra tiền thì đọc sách làm gì?”.
Nếu so tiền, Việt Nam không đọ được với Nhật. Đương nhiên, không phải tất cả những đồng tiền người Nhật làm ra đều trực tiếp liên quan đến chuyện đọc sách nhưng sự liên quan giữa chúng là rất lớn. Hơn nữa, việc kiếm tiền không dựa trên trí tuệ tất yếu sẽ dẫn đến kết cục xấu như một quy luật khó tránh cho dù sớm hay muộn.
Nếu quan sát trong cuộc sống thường ngày sẽ thấy người Nhật quả thực rất chăm đọc sách đặc biệt là tầng lớp trung niên và cao tuổi. Họ đọc đủ thể loại từ loại nghiêm túc nhất đến loại…nhảm nhí nhất và thậm chí cả thứ chỉ dám và được phép đọc một mình khi đã đủ tuổi ở không gian riêng. Họ có thể đọc bất cứ đâu: ở công viên, ở nhà ga, trên xe buýt, trên tàu điện, trong thư viện. Họ có thể ngồi, nằm, đứng….đọc.
Thậm chí, tài hơn có những người vừa đọc vừa…ngủ.
Hiệu sách ở Nhật thì nhiều la liệt. Bước vào đó như vào thế giới khác. Có những hiệu sách chịu chơi còn đặt ra ghế ngồi cho khách xem sách và đọc cọp thoải mái.
Đương nhiên, chuyện người Nhật chăm đọc sách, thích đọc sách không phải tự nhiên mà có. Bằng cách thức tạo ra thói quen và sở thích đọc sách, họ đã làm cho đọc sách trở thành một nhu cầu tự nhiên như ăn uống, hít thở, yêu nhau.
Khi đưa con tới khám sức khỏe định kỳ tại cơ sở ý tế-phúc lợi lúc con tròn 6 tháng tuổi và được thành phố tặng cho một cuốn sách tranh (Ehon) mỏng kèm theo lời khuyên về việc cho con đọc sách và tờ giấy giới thiệu thông tin về thư viện có thể đọc sách miễn phí, tôi đã tò mò đặt ra câu hỏi trong đầu “Liệu 6 tháng có phải quá sớm để cho trẻ nghe đọc sách và xem tranh không? Từ khoảng bao nhiêu tuổi thì trẻ sẽ có nhu cầu đọc sách”. Tôi đã “bí mật” theo dõi điều đó từ chính con mình.
Thi thoảng tôi lại giở cuốn sách được tặng đọc cho con trai nghe. Cuốn ehon này nội dung khá đơn giản. Nó diễn tả các âm thanh phát ra từ sự vật xung quanh trẻ em như tiếng gió thổi, tiếng mưa rơi, tiếng vòi nước chảy, tiếng con mèo kêu, tiếng con chim hót… Sách viết bằng tiếng Nhật nhưng khi đọc thì tôi bịa ra câu chuyện bằng tiếng Việt.
Thật kì lạ là sau vài lần đầu có vẻ lơ đễnh, cậu con trai hơn sáu tháng tuổi bắt đầu chú ý nghe và nhận ra cuốn sách cậu thích trong số nhiều sách khác. Đã thích là cậu cầm, lật ngược xuôi không chán.
Khi một tuổi, đến trường mầm non, nhà trường cũng có hướng dẫn về mượn sách ở thư viện. Đi đến bệnh viện hay địa điểm công cộng nào ở Nhật cũng thấy có những giá sách đặt những cuốn Ehon cho trẻ em đọc. Lần này, khi đi học, cậu lại chỉ thích hai cuốn Ehon.
Một cuốn có tựa “ Thành phố có bầu trời xanh của chúng tớ”.
Một cuốn là “Chú sâu háu ăn” (dịch sát từ tựa tiếng Nhật sẽ là “Chú sâu xanh đói bụng”).
Cuốn đầu tiên là do người Nhật viết và vẽ nói về trò chơi các bé dùng đồ chơi xây dựng nên khu phố có công viên, vườn thú, sở cứu hỏa, quán sushi. Con trai thích thú nhất với những chiếc ô tô được vẽ trong đó. Nếu hỏi ô tô ở đâu cậu chỉ không sót một chiếc nào.
Cuốn thứ hai là do người Nhật dịch từ sách của người Mĩ. Cuốn này, vợ tôi mới “khám phá” ra khi nghe tin ở Việt Nam mới xuất bản cuốn sách này ở dạng song ngữ Anh, Việt. Đọc cuốn này, con trai tôi thích trò làm động tác ăn như con sâu những thứ quả dược vẽ và đục lỗ ở trong sách. Nào lê, nào táo, nào dưa chuột.
Mỗi khi bố hay mẹ đọc xong và kêu “hết rồi”, cậu lại xòe hai tay tỏ vẻ tiếc rẻ. Mỗi ngày ít nhất cậu vác sách yêu cầu đọc một lần. Vừa nghe cậu vừa lật qua lật lại.
Nghe nói ở Nhật, cuốn sách này được rất nhiều trường mầm non sử dụng làm “giáo tài” giáo dục trẻ. Lật bìa sách thấy sách được dịch in lần đầu tháng 10 năm 2006 và đến tháng 8 năm 2012 đã in lần thứ 15!
Cuốn sách xuất bản ở Mĩ từ năm 1969 nhưng gần đây mới được nhà sách Quảng Văn mua bản quyền và xuất bản.
Đấy là một tín hiệu tốt.
Cha mẹ nhiều khi sẵn sàng bỏ một hai trăm nghìn ra…nhậu nhưng có khi lại ngập ngừng khi rút tiền mua cho con một vài cuốn sách, dù cuốn sách ấy có thể dùng được suốt đời.
Có lần tôi được một người bạn tặng cho một loạt sách dạng “Bách khoa toàn thư cho bé” do NXB MT và công ty sách TV liên kết xuất bản. Sách dịch từ Trung Quốc. Sách in khổ nhỏ in màu nhưng kì lạ là con trai tôi không thích những cuốn sách này. Cậu cố bò ra khỏi lòng bố thay vì ngồi im và lắc lư, gật gù theo nhịp đọc giống như các cuốn của Nhật. Cậu có lý. Vì lời văn trong sách cứng như sắt và chỗ nào cũng đượm mùi “giáo huấn”. Các bài học về đạo đức nằm la liệt khắp các trang sách và cuối sách còn chốt lại với phần “Bài học rút ra”.
Trẻ thơ có thế giới của trẻ thơ. Thế giới ấy là thế giới của dế mèn kêu và mây trắng. Những đứa trẻ biết cảm động vì tiếng dế kêu hay vẻ đẹp của đám mây trắng bồng bềnh trên nền trời xanh sẽ có nhiều khả năng trở thành người tốt hơn những trẻ ngoan ngoãn nghe những lời giáo huấn.
Tôi tin, sách sẽ là một con đường lớn để dẫn trẻ thơ vào thế giới ấy.
Ngẫm ra người Nhật rất có lý khi đã tạo ra những cơ hội để trẻ sớm tiếp xúc với sách khi trẻ bắt đầu khám phá thế giới ở xung quanh.
Nguyễn Quốc Vương
Share this: