Thư viện trường học ở Nhật Bản và vai trò của nó đối với giáo dục.

Nguyễn Quốc Vương 26/04/2024
Tác phẩm và dư luận

 

 

Nguyễn Quốc Vương


Bài này đã đăng trong kỉ yếu “Tọa đàm phát triển văn hóa đọc tron nhà trường” do Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức tại Hà Nội ngày 26/1/2018. Tại hội thảo, tôi (NQV) được ban lãnh đạo Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn trình bày tóm tắt nội dung bài viết này.

 

 

Thư viện trường học ở Nhật Bản và vai trò của nó đối với giáo dục. Nguyễn Quốc Vương

(Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn)

 

 

Dẫn Nhập

 

Trong những năm gần đây, văn hóa đọc ở Việt Nam được chú ý trở lại ở cả phía nhà nước và người dân. Mối quan hệ gắn bó giữa sự phát triển của văn hóa đọc và sự phát triển văn minh của quốc gia là sự thật khó chối cãi. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển văn hóa đọc trong điều kiện cụ thể của Việt Nam là điều không dễ. Trên thực tế, ngay cả trường học-nơi lẽ ra hoạt động đọc sách phải là hoạt động trung tâm trong sinh hoạt thường ngày, vẫn tồn tại tình trạng giáo viên và học sinh không đọc gì ngoài sách giáo khoa, sách tham khảo ôn thi và sách bài tập. Thư viện lẽ ra phải là “trái tim” của trường học thì trong nhiều trường hợp lại chỉ đóng vai trò là một thứ “bình hoa trang trí” cho đủ thành phần hoặc trở thành phương tiện để “có thành tích thi đua”. Thư viện của nhiều trường, tuy có sách và mở cửa phục vụ học sinh, giáo viên nhưng nó vẫn chưa thực sự tạo ra sức hấp dẫn. Tình trạng trên có thể thấy ở khắp các địa phương trên cả nước kể cả ở các thành phố lớn.

Vậy thì, làm thế nào để xây dựng được các thư viện trường học tốt và biến nơi đây thành “trái tim của trường học”? Trong khi tiến hành công việc này, dù là ở vĩ mô hay vi mô, bài học kinh nghiệm của nước ngoài sẽ là tham khảo hữu ích cho tất cả chúng ta. Với tinh thần ấy, ở đây, trong bài viết này trên cơ sở điểm qua tình hình văn hóa đọc ở Nhật Bản với cả hai mảng “sáng” và “tối” trong những năm gần đây và các chính sách phát triển văn hóa đọc của chính phủ Nhật, tôi sẽ khái quát vai trò, vị trí của thư viện trường học Nhật Bản hiện tại đối với giáo dục cũng như các chính sách, biện pháp người Nhật đang thực hiện để phát triển mạng lưới thư viện này.

 

 

1.    Tình hình văn hóa đọc ở Nhật Bản trong những năm gần đây

1.1. Những mảng “sáng”

Trên thế giới, Nhật Bản từ lâu đã được biết đến là quốc gia có văn hóa đọc phát triển cao. Số liệu thống kê cho biết ngay từ thời trung đại, tỉ lệ người  dân biết đọc, biết viết ở Nhật đã rất cao (ngay trước thời điểm diễn ra cuộc Duy tân Minh Trị tỉ lệ người Nhật biết đọc, biết viết đã ở mức 40-50%). Tỉ lệ người Nhật biết đọc, biết viết hiện nay là khoảng 99%. Ngành xuất bản ở Nhật cũng phát triển mạnh từ sớm. Từ thời Edo (1603-1867), ngành xuất bản đã phát triển thành ngành “công nghiệp” sản xuất hàng hóa khi in sách với số lượng lớn và bán ra phục vụ đại chúng. Chính vì vậy mà công cuộc “khai hóa văn minh” đã diễn ra thuận lợi giúp cho cải cách Minh Trị sớm thành công. Ngành xuất bản sớm trưởng thành đã giúp cho các cuốn sách được in ra tiếp cận với đông đảo độc giả trong đó có giới bình dân. Những cuốn sách của Fukuzawa Yukichi (1835-1901), người được mệnh danh là “Voltaire của Nhật Bản”, như “Khuyến học”, “Tây Dương sự tình”…ngay khi xuất bản đã bán được cả triệu bản mà vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu của bạn đọc đương thời. Hiện tại cho dù có gặp khó khăn, ngành xuất bản Nhật vẫn đạt được thành tựu với những con số rất ấn tượng. Theo “Niên báo chỉ số xuất bản 2009” (Viện nghiên cứu khoa học xuất bản) thì số lượng đầu sách mới được xuất bản năm 2007 ở Nhật Bản là 77.417 đầu sách. Hiện nay tính trung bình mỗi ngày có 200 cuốn sách mới được xuất bản. Số lượng nhà xuất bản hiện nay là 4311 (theo Niên giám xuất bản năm 2005).

1.2. Những mảng “tối”

Cho dù vẫn duy trì được danh tiếng, trên thực tế, số liệu thống kê thu được từ các cuộc điều tra gần đây cho thấy, xu hướng “xa rời việc đọc sách” ở người dân Nhật đã xuất hiện và lượng sách đọc đang giảm dần.

Chẳng hạn báo Sankei (bản diện tử) ngày 11 tháng 10 năm 2014 đã dẫn số liệu kết quả điều tra của Vụ văn hóa Nhật Bản về tình hình đọc sách ở Nhật Bản. Đây là cuộc điều tra có tên “Điều tra dư luận liên quan đến quốc ngữ” do Vụ văn hóa tiến hành bằng bảng hỏi với 3000 người bao gồm cả nam và nữ vào tháng 3 năm 2014. Theo đó, có đến 65.1% số người được hỏi cho rằng “lượng sách đọc” của người Nhật đang giảm đi. Cụ thể hơn, số người trả lời có đọc “1, 2 cuốn”/tháng là 34, 5%, “3-4 cuốn” là 10, 9%, “5-6 cuốn”là 3, 4%, “7 cuốn” là 3, 6%. Số người trả lời “không đọc” chiếm tỉ lệ lớn nhất (47, 5%). Bài báo cũng cho biết so với cuộc điều tra được tiến hành vào năm 2009 thì tỉ lệ số người trả lời “không đọc” một cuốn nào đã tăng 1, 4% và so với cuộc điều tra năm 2002 thì tăng tới gần 10%.

Cuộc điều tra cũng làm rõ lý do tại sao người dân không đọc sách. Trong các lý do này thì lý do chiếm tỉ lệ lớn nhất là “không có thời gian đọc vì công việc và việc học tập bận rộn” (51.3%), tiếp đến là lý do hạn chế về “sức khỏe thị lực” (34.4%), “thiết bị thông tin (máy tính, điện thoại…) lấy mất thời gian” (26, 3%), “tivi có sức hấp dẫn hơn” (21.8%). Đáng chú ý là trong các lý do này thì lý do liên quan đến thiết bị thông tin tăng 5% so với kết quả của cuộc điều tra năm 2009.

Hiệp hội thư viện trường học toàn quốc ở Nhật Bản cũng tiến hành một cuộc điều tra độc lập vào năm 2012 và kết quả của cuộc điều tra này cho biết tỉ lệ trẻ em không đọc một cuốn sách nào trong một tháng trước khi điều tra ở các bậc học như tiểu học, trung học cơ sở và trung họ phổ thông lần lượt là:  4, 5% , 16, 4%  và  53, 2%.

Bình luận về tình trạng nói trên, báo Sankei dẫn lời Giáo sư Tanaka Yukari (Đại học Nhật Bản): “Không chỉ người Nhật, những năm gần đây do sự phổ cập của Internet xu hướng thu nhận những thông tin nhỏ trong thời gian ngắn đã trở nên phổ biến. Mặt khác, những ấn phẩm in trên giấy như tiểu thuyết lại yêu cầu phải đọc các câu văn được trau chuốt trong một khoảng thời gian dài và nó đã trở nên không thích hợp với cảm tính của người hiện đại luôn muốn có kết luận nhanh chóng. Sự suy giảm lượng sách đọc ở ý nghĩa nào đó có khi cũng có thể coi là sự tất yếu của thời đại”. Ở một góc độ khác giáo sư Fujii Hidetada thuộc đại học Rikkyo lại cảnh báo về sự suy yếu của văn học Nhật Bản khi ông chỉ ra một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng người dân “xa rời việc đọc sách”: “Từ phục hưng hậu chiến cho tới thời kì kinh tế tăng trưởng cao độ là thời kì mà các danh tác, các tác phẩm cổ kim đông tây có thể làm cho quốc dân có thêm dũng khí bùng nổ và được đọc ngấu nghiến. Tuy nhiên ngày nay các sách có tính giải trí chiếm vị trí trung tâm và bản thân tác phẩm nếu là tiểu thuyết thì đa phần cũng là thứ triển khai mạch chuyện và lấy sự thú vị làm trọng tâm. Tình hình đó cũng có thể trở thành nguyên nhân làm cho người đọc xa rời việc đọc sách”.

Hiện thực trên đã đặt chính phủ và người dân Nhật Bản trước những thử thách mới. Vì vậy, cả chính phủ và người dân Nhật đã hợp tác cùng nhau để tiến hành các chính sách khuyến đọc ở cả phạm vi vi mô và vĩ mô trong đó hoạt động trong trường học đóng vai trò trọng tâm.

2.    Chính sách khuyến đọc ở Nhật Bản

Dựa trên số liệu điều tra và các kết quả nghiên cứu, chính phủ Nhật Bản đã tích cực tiến hành các biện pháp khuyến đọc ở cấp độ vĩ mô. Dưới đây sẽ liệt kê một vài biện pháp, chính sách vĩ mô chủ yếu có tác động lớn.

Thứ nhất, Quốc hội Nhật Bản đã soạn thảo và ban hành “Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em” (Bộ luật được công bố và có hiệu lực thi hành từ 12/12/2001). Bộ luật này ngoài phần phụ lục có 11 điều quy định về các nội dung sau: “Mục đích” (Điều 1), “Triết lý cơ bản” (Điều 2) , “Nghĩa vụ của nhà nước” (Điều 3), “Nghĩa vụ của chính quyền địa phương” (Điều 4), “Nỗ lực của những người thực hiện sự nghiệp” (Điều 5, 6), “Tăng cường liên kết với các cơ quan có liên quan” (Điều 7), “Kế hoạch cơ bản khuyến khích hoạt động trẻ em” (Điều 8), “Kế hoạch khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em ở các đô, đạo, phủ, tỉnh” (Điều 9), “Ngày đọc sách của trẻ em” (Điều 10), “Các biện pháp trên phương diện tài chính” (Điều 11).

Thứ hai, năm 2005 Quốc hội Nhật Bản lại soạn thảo và thông qua “Luật chấn hưng văn hóa đọc” (Bộ luật số 91 ban hành ngày 27 tháng 7 năm 2005). Bộ luật này ngoài phần phụ lục có 12 điều quy định về : “Mục đích” (Điều 1), “Định nghĩa” (Điều 2) , “Triết lý cơ bản” (Điều 3), “Trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà nước” (Điều 4), “Trách nhiệm và nghĩa vụ của chính quyền địa phương” (Điều 5), “Tăng cường liên kết với các cơ quan có liên quan” (Điều 6), “Chấn hưng văn hóa đọc ở địa phương” (Điều 7), “Giáo dục năng lực ngôn ngữ trong giáo dục trường học” (Điều 8), “Giao lưu quốc tế về văn hóa đọc” (Điều 9), “Phổ cập các xuất bản phẩm học thuật” (Điều 10), “Ngày văn hóa đọc” (Điều 11), “Các biện pháp ở phương diện tài chính” (Điều 12)[1].

Thứ ba, chính phủ Nhật Bản (Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ) đã xây dựng được “Kế hoạch cơ bản xúc tiến hoạt động đọc sách của trẻ em” ở tầm quốc gia. Kế hoạch lần 1 được đưa ra năm 2002 ngay sau khi “Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em” được ban hành. Kế hoạch lần 2 được đưa ra năm 2008 và kế hoạch lần thứ ba được công bố vào năm 2013 (5 năm một lần). Đây là kế hoạch vĩ mô ở đó sau khi phân tích hiện trạng, các kết quả đã đạt được, những vấn đề, thách thức đang đặt ra, chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra những mục tiêu và biện pháp có tính chiến lược. Xin trích ra dưới đây, những mục lớn trong “Kế hoạch cơ bản xúc tiến hoạt động đọc sách của trẻ em năm 2013” của chính phủ Nhật (tài liệu dài 27 trang gồm 5 chương):
Chương 1. Dẫn nhập

Chương 2. Các biện pháp được tiến hành trong thời kì thực hiện kế hoạch cơ bản lần thứ hai và các vấn đề đặt ra.

1.    Các biện pháp đã thực hiện và thành quả trong thời kì thực hiện kế hoạch cơ bản lần thứ hai.

2.    Các vấn đề đặt ra trong thời kì thực hiện kế hoạch cơ bản lần thứ hai.

3.    Sự thay đổi tình hình liên quan đến hoạt động đọc sách của trẻ em sau khi xây dựng kế hoạch cơ bản lần thứ hai.

Chương 3. Phương châm cơ bản

1.    Các biện pháp tiến hành trong toàn thể xã hội thông qua gia đình, địa phương, trường học.

2.    Xây dựng môi trường làm bệ đỡ cho hoạt động đọc sách của trẻ em.

3.    Phổ cập ý nghĩa liên quan tới hoạt động đọc sách của trẻ em.

Chương 4. Các nội dung cần thiết để xúc tiến có hiệu quả hoạt động đọc sách của trẻ em.

1.    Thế chế khuyến khích

2.    Các biện pháp ở phương diện tài chính

Chương 5. Các biện pháp xúc tiến hoạt động đọc sách của trẻ em

1.    Xúc tiến hoạt động đọc sách của trẻ em trong gia đình

2.    Xúc tiến hoạt động đọc sách của trẻ em ở địa phương

3.    Xúc tiến hoạt động đọc sách của trẻ em ở trường học

4.    Trợ giúp các hoạt động của các đoàn thể dân sự

5.    Hoạt động khai sáng phổ cập

Dựa trên các bộ luật liên quan đến văn hóa đọc và các chính sách vĩ mô trên, chính phủ Nhật Bản, các cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương và người dân Nhật Bản đã hợp tác, tiến hành các hoạt động phong phú để chấn hưng văn hóa đọc, đặc biệt là khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em trong nhà trường thông qua thư viện trường học.

 

3.    Vị trí, vai trò, chức năng của thư viện trường học Nhật Bản và các biện pháp đang được thực thi nhằm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

3.1. Hiện trạng của thư viện và thư viện trường học

Theo số liệu được công bố trong “Kế hoạch cơ bản xúc tiến hoạt động đọc sách của trẻ em năm 2013” (Kế hoạch lần thứ 3) số lượng thư viện nói chung ở Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất từ trước đến nay ở thời điểm 2011: 3.165 (năm 2008), 3.274 (năm 2011). Năm 2008 có 1938 thư viện có phòng đọc dành riêng cho trẻ em, đến năm 2011 con số này tăng lên 2059 thư viện.

Cũng theo tài liệu này, số sách mà trẻ em Nhật mượn từ các thư viện trong một năm vẫn tiếp tục tăng: 134.200.000 cuốn (năm 2007), 179.560.000 cuốn (năm 2010).

Ở các trường học, tỉ lệ các trường tiến hành giờ đọc sách đồng loạt cho tất cả các học sinh tăng mạnh đặc biệt là hoạt động đọc sách diễn ra vào buổi sáng. Theo đó, năm 2012 có 96, 4% các trường tiểu học, 88.2% các trường trung học cơ sở, 40, 8% các trường trung học phổ thông tiến hành hoạt động này.

Hiện trạng của thư viện trường học Nhật Bản được phản ánh rõ nhất qua kết quả cuộc điều tra do Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ tiến hành có tên “Điều tra hiện trạng thư viện trường học” năm 2016. Đây là cuộc điều tra được tiến hành định kì 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 2008 trở đi về tình hình toàn diện của các thư viện trường học như tình hình bố trí thủ thư, giáo viên làm công tác thư viện, điều kiện cơ sở vật chất của thư viện, tình hình tiến hành các hoạt động đọc sách…Đối tượng của cuộc điều tra là các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường giáo dục đặc biệt, các trường liên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thuộc giáo dục nghĩa vụ. Cuộc điều tra này được tiến hành thông qua các Ủy ban giáo dục ở các địa phương (đô, đạo, phủ, tỉnh). Nhìn tổng thể, kết quả điều tra cho biết:

– Tỉ lệ trường học có thủ thư : tiểu học (59,2%), trung học cơ sở (58, 2%), trung học phổ thông (66, 6%), tăng hơn so với kết quả điều tra trước đó.

– Tỉ lệ trường học có thư viện đạt chuẩn : tiểu học (66,4%), trung học cơ sở (55, 3%), có tăng so với các cuộc điều tra trước đó nhưng vẫn còn thấp.

– Tỉ lệ trường học có báo ở thư viện: Tiểu học (41.1%), trung học cơ sở (37.7%), trung học phổ thông (91%).

Xin trích ra ở đây một vài số liệu điều tra cụ thể để tham khảo.

 Bảng 1, 2, 3. Tình hình bố trí thủ thư ở các trường học

          (Con số trong ngoặc đơn là số liệu của cuộc điều tra trước)

 

Trường tiểu học

Số trường có bố trí thủ thư

Tỉ lệ phần trăm so với toàn thể

Quốc lập

42 trường (40 trường)

58,3% (55.6%)

Công lập

11.644 trường (10.978 trường)

59,3% (54.5%)

Tư thục

115 trường (91 trường)

51.3% (41.9%)

Tổng

11.803 trường
(11.109 trường)

59, 2% (54.4%)

 

 

Trường trung học cơ sở

Số trường có bố trí thủ thư

Tỉ lệ phần trăm so với toàn thể.

Quốc lập

40 (40)

54.8% (54.8%)

Công lập

5.408 trường (5.051)

57.3% (52.8%)

Tư thục

521 (416)

70.4% (56.1%)

Tổng

5.969 (5507)

58,2% (53.1%)

 

 

Trường trung học phổ thông

Số trường có bố trí thủ thư

Tỉ lệ phần trăm so với toàn thể

Quốc lập

13 (14)

76.5% (82.4%)

Công lập

2349 (2371)

66.9% (66.5%)

Tư thục

915 (816)

66.4% (59.7%)

Tổng

3279 (3201)

66.6% (64.4%)

 

Bảng 4. Tình hình cơ sở vật chất của thư viện và sách

 

 

Số trường có bố trí thư viện

Số lượng sách có trong thư viện tính đến cuối năm 2015

Tỉ lệ số trường đạt tiêu chuẩn thư viện tính đến cuối năm 2015

Trường tiểu học

19.604

174.870.000 (174.020.000)

66.4% (60.3%)

Trung học cơ sở

9.427

101. 670.000 (99. 750.000)

55.3% (50%)

Trung học phổ thông

3.509

80.349.000 (84. 790.000)

Không có dữ liệu

 

 

   Bảng 5. Tình hình đọc sách

 

 

Tình hình tiến hành hoạt động đọc sách tập thể (đồng loạt) toàn trường

Tỉ lệ những trường thực hiện hoạt động đọc sách trước giờ học buổi sáng

 

 

Số trường thực hiện (A)

Tỉ lệ phấn trăm so với tổng thể

Số trường học thực hiện  (B)

Tỉ lệ phần trăm

(B/A)

Tiểu học

19.038

97.1% (96.8%)

13.035

68.5% (71.3%)

Trung học cơ sở

8.341

88.5% (88.5%)

6.062

72.7% (73.4%)

Trung học phổ thông

1499

42.7% (42.9%)

947

63.2% (66.5%)

 

Căn cứ vào các bảng số liệu trên ta thấy, nước Nhật hiện tại có một hệ thống thư viện trường học khổng lồ và đang tăng trưởng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của học sinh, giáo viên ở trường học. Hoạt động đọc sách-hoạt động đặc trưng nhất diễn ra ở thư viện, thể hiện vai trò số một của thư viện đã được tiến hành rộng rãi ở các trường học và trở thành một thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên, cũng từ bảng số liệu chúng ta thấy, ngay cả nước Nhật cũng chưa đạt được mục tiêu 100% ở nhiều hạng mục liên quan đến thư viện trên phạm vi toàn quốc. Hiện trạng này đặt ra cho các thư viện trường học Nhật Bản nhiều thách thức trong thế kỉ 21. Trong đó thách thức lớn nhất là thiếu thốn về cơ sở vật chất. Có thể thấy rõ điều này qua số liệu các thư viện chưa đạt chuẩn  theo quyết định của Vụ trưởng vụ giáo dục tiểu học và trung học (Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ) ban hành ngày 29 tháng 3 năm 1993. Tính đến năm 2012 mới chỉ có 56, 8% thư viện trường tiểu học, 47, 5% thư viện trường trung họ cơ sở đạt chuẩn, nghĩa là tính chung mới xấp xỉ đạt trên dưới 50%.

 

3.2. Vị trí, vai trò của thư viện trường học ở Nhật Bản

Triết lý giáo dục của giáo dục Nhật Bản sau 1945 là tạo ra những người công dân có tri thức, phẩm chất, năng lực phù hợp với xã hội hòa bình, dân chủ và tôn trọng con người vì vậy, trong các bộ luật giáo dục và các văn bản chỉ đạo của Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ vị trí-vai trò của thư viện, nơi được coi là “trái tim” kết nối và tạo ra xúc tác cho các hoạt động giáo dục tại trường học đều được nhấn mạnh. Trong Luật giáo dục trường học (ban hành năm 1947, sửa đổi năm 2007) ở điều 2 (thuộc “Chương 2. Trường tiểu học”) ghi rõ : “Trường tiểu học phải sử dụng các sách giáo khoa đã được Cục kiểm định thông qua hoặc chứng nhận hay các sách giáo khoa do cục này nắm giữ bản quyền. Trường tiểu học cũng có thể sử dụng các sách và giáo tài khác ngoài các sách giáo khoa nói trên nếu như chúng phù hợp và có ích” . Như vậy, luật cho phép sử dụng các sách, tài liệu ngoài sách giáo khoa và quy định này gián tiếp khẳng định vị trí quan trọng của thư viện trường học. Ngoài ra, cũng trong bộ luật này, điều 21 mục 5 nhấn mạnh: “Làm cho hoc sinh quen với việc đọc sách, lý giải đúng đắn quốc ngữ cần thiết cho đời sống, giáo dục năng lực cơ bản sử dụng nó”.

Trực tiếp, và rõ ràng hơn, điều 1 “Luật thư viện trường học” xác định “Thư viện trường học là công trình cơ bản không thể thiếu trong giáo dục trường học và nó có mục đích hướng tới sự phát triển lành mạnh, làm phong phú giáo dục trường học”. Điều 3 bộ luật này cũng ghi rõ “Trường học phải có thư viện”.

Như vậy, có thể thấy, các cơ sở giáo dục không có thư viện đạt tiêu chuẩn theo quy định của luật sẽ gặp khó khăn trong việc được công nhận là trường học. Các bản Hướng dẫn học tập, văn bản quy định nội dung chương trình, phương pháp hướng dẫn học tập của Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ dành cho tất cả các trường phổ thông trên toàn quốc cũng luôn nhấn mạnh vị trí của thư viện trường học. Chẳng hạn bản Hướng dẫn học tập hiện hành (ban hành năm 2008-2009) đã xác định các trường và giáo viên phải làm phong phú, đầy đủ hoạt động đọc sách cần thiết cho việc giáo dục năng lực ngôn ngữ của học sinh. Đặc biệt bản Hướng dẫn học tập dành cho bậc học mầm non (2008) đã yêu cầu các nhà trẻ, trường mầm non phải tích cực, chủ động tạo ra môi trường và các điều kiện cần thiết khác để làm cho trẻ làm quen với các sách ehon (sách tranh) và các câu chuyện kể.

Vai trò, chức năng của trường học được thể hiện trong quan điểm coi thư viện trường học có hai chức năng chủ yếu. Chức năng thứ nhất là trở thành “Trung tâm đọc sách” của học sinh và chức năng thứ hai là đóng vai trò như “Trung tâm thông tin-học tập” của học sinh.

Nhìn một cách cụ thể hơn, vai trò-chức năng của thư viện trường học được thể hiện rõ trong các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu được quy định trong Luật thư viện trường học (Điều 4) như sau:

1.    Sưu tầm tư liệu thư viện, phục vụ việc sử dụng của học sinh và giáo viên.

2.    Hợp lý hóa sự phân loại, trưng bày tư liệu thư viện và xây dựng mục lục.

3.    Tiến hành các buổi đọc sách, các hội nghiên cứu, buổi chiếu phim, buổi triển lãm tư liệu…

4.    Hướng dẫn học sinh sử dụng tư liệu thư viện và sử dụng các thư viện trường học khác.

5.    Liên lạc mật thiết và hợp tác với các thư viện trường học, thư viện khác, với bảo tàng, nhà công dân (kominkan)…

6.    Thư viện trường học có thể được sử dụng phục vụ công chúng nói chung trong giới hạn việc đó không gây trở ngại cho việc đạt được mục đích nói trên.

Như vậy có thể thấy, thư viện trường học không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động học tập, giải trí, giao lưu của học sinh trong trường mà còn là điểm kết nối giữa nhà trường với địa phương và cộng đồng dân cư ở địa phương.

3.3. Các biện pháp đang được tiến hành nhằm phát huy vị trí, vai trò và chức năng của thư viện trường học.

Thứ nhất, chính phủ, các địa phương, trường học và ban ngành liên quan ở Nhật đang đẩy mạnh việc bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý cũng như các chính sách, kế hoạch nhằm chấn hưng văn hóa đọc và làm phong phú hệ thống thư viện. Đó là sự ra đời của Luật thư việnLuật chấn hưng văn hóa đọcLuật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em…Đặc biệt cứ 5 năm một lần chính phủ Nhật Bản sẽ ban hành “Kế hoạch cơ bản xúc tiến hoạt động đọc sách của trẻ em” và dựa trên cơ sở đó các địa phương sẽ có kế hoạch cụ thể của riêng mình. Các trường, các thư viện trường học cũng sẽ có chương trình kế hoạch cụ thể riêng phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ hai, bản Hướng dẫn học tập đã được sửa đổi và sẽ tiếp tục được sửa đổi trong thời gian ngắn sắp tới theo hướng nhấn mạnh giáo dục “năng lực sống” (năng lực tự phát hiện vấn đề, tự học, tự suy nghĩ, giải quyết vấn đề). Ở đó, để có được năng lực sống, học sinh phải biết thu thập và xử lý thông tin một cách tự chủ bằng tư duy phê phán do đó, hoạt động đọc sách, khai thác thư viện trở thành hoạt động rất quan trọng.

Thứ ba, chính phủ và người dân hợp tác thực hiện việc tăng cường xây dựng, làm phong phú các thư viện trường học và tăng cường, đào tạo, bồi dưỡng thủ thư; trích tiền thuế thu được ở các địa phương để đảm bảo công tác bố trí thủ thư ở các thư viện công lập (bao gồm thư viện ở các trường công lập) nhằm tạo ra môi trường đọc sách ngày một phong phú và tốt hơn.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác giữa thư viện trường học và các thư viện khác để biến thư viện trường học thành nơi thân thiết, gần gũi đối với học sinh, cung cấp ngày một nhiều hơn các cơ hội hấp dẫn, phong phú để học sinh có được hoạt động đọc sách có chất lượng cao.

Thứ năm, xúc tiến, đẩy mạnh, khuyến khích các hoạt động đọc sách tại trường học. Ở bậc học mầm non, dựa trên phương châm giáo dục được đề ra trong bản Hướng dẫn học tập (2008), các trường sẽ tích cực tiến hành các hoạt động làm cho học sinh quen với ehon, các câu chuyện kể đồn thời tạo ra các cơ hội cho học sinh tiểu học và phụ huynh, tình nguyện viên tới đây giao lưu, đọc sách cho trẻ em nghe. Đối với trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhà trường sẽ hỗ trợ thích hợp để tạo ra môi trường ở đó học sinh có thể vui thú tự do với việc đọc sách. Các nỗ lực này là nhằm đáp ứng yêu cầu được đặt ra trong bản Hướng dẫn học tập khi nó đặt ra yêu cầu giáo viên, nhà trường thông qua việc hướng dẫn học sinh học tập các môn giáo khoa phải làm phong phú, đầy đủ các hoạt động ngôn ngữ như ghi chép, thuyết minh, bình luận, viết luận, thảo luận từ đó trợ giúp hoạt động đọc sách của học sinh, làm phong phúvà nâng cao chất lượng của nó.

Thứ sáu, phối hợp nhiều ban ngành, lực lượng, tổ chức trong đó hạt nhân là thư viện trường học để hình thành cho học sinh thói quen đọc sách. Gia đình, địa phương, trường học phải phối hợp chặt chẽ để làm cho học sinh có thói quen đọc sách suốt đời từng bước một thông qua các giai đoạn như mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các trường học  ở Nhật hiện đang tiến hành các biện pháp cụ thể ví dụ như thực hiện hoạt động đọc sách đồng loạt, giờ đọc sách, các thư viện có góc “Giới thiệu sách”, đặt ra mục tiêu đọc sách (bao nhiêu cuốn) đối với học sinh trong năm và cho tới trước khi tốt nghiệp.

 

Thứ bảy, xúc tiến mạnh hoạt động đọc sách của trẻ em khuyết tật bằng cách tạo ra môi trường và lựa chọn sách phù hợp với tình trạng khuyết tật của trẻ em để trẻ em có thể trải nghiệm hoạt động đọc sách phong phú. Các trường cần tạo điều kiện để học sinh khuyết tật có thể sử dụng các thiết bị trợ giúp và nhận sự giúp đỡ của các tình nguyện viên để có thể đọc sách , đồng thời sử dụng dữ liệu của các thư viện chữ nổi của các trường đặc biệt phục vụ cho học sinh khuyết tật thị giác.

 

Kết luận

 

Nhờ di sản truyền thống, sự khai sáng từ thời Minh Trị và nỗ lực dân chủ hóa thời hậu chiến, nước Nhật đã có một nền tảng văn hóa đọc vững chắc xét ở cả trên phương diện vĩ mô và vi mô, lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, già hóa dân số và sự biến đổi nhanh chóng của xã hội thông tin hóa thời hậu công nghiệp đã làm cho văn hóa đọc ở Nhật Bản có dấu hiệu sa sút. Trước tình hình đó, dựa trên các nghiên cứu thực chứng và điều tra cụ thể, chính phủ Nhật Bản đã nhận thức rõ nguy cơ và đề ra, thực thi các chính sách ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm phục hưng văn hóa đọc. Thư viện, đặc biệt là thư viện trường học, đã được xác định là hệ thống có vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt trong việc chấn hưng văn hóa đọc của quốc dân và hình thành thói quen đọc sách của trẻ em. Với hai chức năng cơ bản là “trung tâm đọc sách” và “trung tâm thông tin-học tập” của trẻ em, thư viện trở thành “trái tim” kết nối học sinh với giáo viên, nhà trường, xã hội địa phương. Chính vì vậy, làm phong phú, đầy đủ và phát huy tối đa chức năng của thư viện trường học ở Nhật Bản cũng chính là quá trình tiến hành cải cách giáo dục để giáo dục nên những người công dân có “năng lực sống” (năng lực phát hiện vấn đề, tự tìm kiếm thông tin, tự học để giải quyết vấn đề). Những chính sách, biện pháp của Nhật Bản trong cuộc cải cách nói trên ở góc độ nào đó sẽ là sự tham khảo hữu ích cho Việt Nam hiện nay.

 

 

 

Tài liệu tham khảo

 

1.Hướng dẫn học tập, 学習指導要領(文部省、20082009

2.    Kế hoạch cơ bản xúc tiến hoạt động đọc sách của trẻ em, 子どもの読書活動の推進に関する基本的な計画 (文部省、2002, 2008, 2013)

3.    Niên báo chỉ số xuất bản, 出版指標年報(出版科学研究所 , 出版科学研究所, 2009

4. Niên giám xuất bản, 出版年鑑〈2005  (出版年鑑編集部, 2005)

5. Báo Sankei (bản điện tử):

http://www.sankei.com/premium/news/141011/prm1410110018-n1.html

 

Bài viết cùng danh mục