Thơ Goto Shoson-Tiếng kêu của nỗi đau và tiếng hát về niềm hy vọng

Nguyễn Quốc Vương 23/07/2024
Giới thiệu sách

Bài đã in trong cuốn "Đọc sách thú vị hơn em tưởng" (NXB Lao Động, 2023) 


Là một người yêu thơ và cũng từng liều lĩnh xuất bản hai tập thơ ở Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên tôi viết lời giới thiệu cho một tập thơ, lại là một tập thơ của một thi sĩ người Nhật. Qua dịch giả Nguyễn Đỗ An Nhiên, hiện đang sống ở Okinawa-Nhật Bản, tôi nhận được bản thảo tập thơ “Sợi dây kết nối phục hưng-Thông điệp từ Fukushima” (Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch, Huy Hoàng, 2021)của thi sĩ Goto Shoson và lời đề nghị viết đôi dòng giới thiệu.

Tôi chưa từng gặp mặt hay có mối liên hệ gì với thi sĩ Goto Shoson trước đó, thậm chí cũng chưa từng đọc thơ ông nhưng nhìn vào đôi dòng tiểu sử của ông, tôi có thể hình dung ra nhiều điều và cảm nhận thấy sự thân thuộc. Trong hơn 8 năm du học tại Nhật Bản, tôi đã từng được nhiều giáo sư người Nhật chỉ dạy và hầu hết các thầy đều ở độ tuổi thi sĩ Goto Shoson. Thế hệ các thầy là thế hệ đã trở thành sinh viên, thanh niên, khi nước Nhật phục hồi sau Chiến tranh thế giới thứ hai và trở thành một cường quốc kinh tế trong khi ở các nước xung quanh như khu vực Đông Dương trong đó có Việt Nam ngọn lửa chiến tranh vẫn đang bùng cháy. Những biến đổi và mâu thuẫn dữ dội của thời đại đó có lẽ đã để lại ít nhiều ảnh hưởng sâu đậm trong thế hệ thanh niên-sinh viên Nhật Bản ngày đó và thi sĩ Goto Shoson dường như cũng đã có mối quan tâm tới Việt Nam từ khi ấy.

Thật đáng trân trọng khi biết thêm hiện nay ngoài hoạt động như một nhà thơ, Goto Shoson vẫn hoạt động sôi nổi trong các hoạt động hữu nghị giữa tỉnh Fukushima (nơi ông sinh sống), Okinawa và Việt Nam.

Tập thơ “Sợi dây kết nối phục hưng-Thông điệp từ Fukushiama” của ông gồm 96 bài thơ Haiku. Haiku là thể thơ truyền thống của Nhật, được lưu truyền lâu đời và vẫn có sức sống mạnh mẽ trong lòng xã hội Nhật Bản hiện đại. Ở Việt Nam, nhiều người cũng biết đến thơ haiku đặc biệt là những bài thơ haiku nổi tiếng của thi sĩ Matsuo Basho (1644-1694) đã được dịch ra tiếng Việt và lưu hành rộng rãi.

Thơ Haiku có đặc điểm là rất ngắn về dung lượng (thường chỉ 17 âm tiết) gói gọn trong ba câu vì thế khả năng khơi gợi, tạo ra sự âm vang và liên tưởng rất lớn. Người viết sẽ phải tiết chế cảm xúc và câu chữ tối đa trong khi truyền đi tình cảm, thông điệp và sự phập phồng trong trái tim mình.

Ta sẽ thấy điều đó trong thế giới thi ca của thi sĩ Goto Shoson.

Ngay khi nhìn thấy tên của tập thơ với từ khóa là “phục hưng” và “sợi dây kết nối” cùng thông tin ông sống tại Fukushima, trong đầu tôi đã hiện lên biết bao kỉ niệm và liên tưởng.

Cũng như ông và bao người khác, tôi đã trải nghiệm cuộc sống ở Nhật Bản khi xảy ra đại họa động đất sóng thần Đông Nhật Bản (tháng 3 năm 2011).

Tập thơ của Goto Shoson viết về những gì ông đã chứng kiến, đã cảm nhận, đã đau đớn và hi vọng khi Nhật Bản gánh chịu đại họa động đất, sóng thần và sau đó là sự cố hạt nhân xảy ra ở vùng Đông Bắc Nhật Bản tháng 3 năm 2011. Tập thơ được xuất bản lần đầu tiên ở Nhật tháng 8 năm 2011 và bản tiếng Việt lần này do dịch giả Nguyễn Đỗ An Nhiên chuyển ngữ ra đời tròn 10 năm sau thảm họa đó.

Ta có thể thấy trong tập thơ ông, sự sững sờ của con người bé nhỏ, mong manh trước thiên tai bất ngờ:

七十年生きて きて大津波の 悪夢かな

  Nanaju nen ikite            kite otsunami no    akumu kana

Bảy mươi năm sống        Đại sóng thần kéo đến     Một cơn ác mộng”

Nước Nhật là nơi thường xuyên có thiên tai như động đất, sóng thần nhưng sóng thần lớn như lần này thì bản thân thi sĩ đã trải qua nhân sinh 70 năm mà chưa hề thấy. Nó quá bất ngờ, và giống như một cơn ác mộng. Cảm giác sững sờ ấy càng rõ ràng hơn vì thời điểm đại họa xảy ra là ngày 11/ 3, đấy là thời điểm nước Nhật đang ở mùa xuân, người dân đang háo hức chờ thưởng thức hoa anh đào. Bởi thế ta có thể hiểu được sự ngỡ ngàng, như không tin vào mắt mình trong niềm cay đắng của thi sĩ:
天気良し 今日は放射能と 花見かな

  Tenki yoshi          kyo wa hoshano to           hanami kana

Trời đẹp                 Hôm nay                          Ngắm hoa cùng phóng xạ”

Sự bất ngờ ấy, không phải chỉ là bất ngờ trước thiên nhiên, trước con tạo trẻ con xưa nay vốn luôn coi người “như chó rơm” mà sự bất ngờ ấy, sự sửng sốt đau lòng ấy, nỗi niềm bàng hoàng cay đắng ấy còn là cảm xúc, thái độ trước một sự thật phũ phàng-trong thiên tai có cả nhân tai. “Thần thoại an toàn”-những lời tuyên truyền, những hứa hẹn và cam kết rằng điện hạt nhân là an toàn tuyệt đối đã vỡ tan. Cảm giác cay đắng về thần thoại ấy được Goto Shoson nhắc đến nhiều lần (bài số 29, 44 , 45 , 46) và bài số 44 hay đến rùng mình:

安全神話 妻の笑顔に 放射能

  Anzen shinwa                tsuma no egao ni              hoshano

Thần thoại an toàn           Trên nụ cười vợ tôi                    Phóng xạ”

Thần thoại an toàn tan vỡ để rồi giờ đây, phóng xạ-thần chết vô hình đã đến thật gần ngay trên nụ cười của người thân yêu nhất.

Đại họa trong phút chốc đã làm thay đổi toàn bộ nước Nhật. Cuộc sống thường ngày bị đảo lộn, hàng vạn người phải sống cảnh sống sơ tán. Những cảnh sơ tán ấy ám ảnh nhà thơ. Số lượng các bài ghi lại cảnh tượng sơ tán rất nhiều (các bài14, 20, 21, 27, 61, 69, 70 , 75 , 84 , 85 , 87, 90, 91). Cảnh tượng nước Nhật trong mùa xuân chết chóc ở khu vực Đông Bắc được thi sĩ Goto Shoson ghi lại thật đắt giá thế này:
春なのに 誰あれも居ない 竜桜

  Haru nanoni         darearemoinai                  takizakura

Mùa xuân    Không bóng người           Anh đào rũ”

Thiên nhiên vẫn thế chẳng đổi thay nhưng lòng người đâu còn vui nữa. Mất mát đã ập đến và người sống sẽ phải sống trong sự tiếc thương, thổn thức. Nỗi đau mất mát bao phủ nhà thơ. Nhà thơ nghĩ về nỗi của người mẹ mất con:
娘どこ 母子の絆を 捜す鴎かな 

Musume doko               boshi no kizuna wo          sagasu kamome kana

Con gái nơi đâu?              Sợi dây mẫu tử                Mòng biển tìm con”         

良い子だった 三月十一日 二時四十六分の海

  Yoiko datta                    sangatsu juichi nichi        niji yonju roppun no umi

Từng là đứa trẻ ngoan       Biển ngày 11 tháng 3     2 giờ 46 phút”

Và nỗi đau mất cha, mất mẹ:

引き津波 父をかえせ母を かえせ私をかえせ

  Hiki tsunami                  chichi wo kaese haha wo kaese watashi wo kaese

Sóng thần rút                   Hãy trả ba, trả mẹ            Trả lại tôi”

 

Và ở đây, ta gặp một bài thơ viết về đau thương, mất mát thật hay. Những câu thơ như găm vào tâm trí người đọc. Với tôi, nếu được chọn một bài thơ trong tập này để đọc tưởng niệm các nạn nhân của đại họa động đất sóng thần, tôi sẽ chọn bài này:

菜の花や 三万本の 慰霊の磈

  Nanohana ya        sanmanbon no        irei no katamari

Ngồng cải    Ba vạn cây   Cùng tưởng niệm”

Thảm họa hạt nhân cũng ám ảnh thi sĩ Goto Soshon. Số lượng những bài thơ viết về phóng xạ trong tập thơ rất lớn. Thống kê sơ bộ đã có đến 38 bài. Nếu ta biết về những gì người dân Nhật Bản ở Hiroshima và Nagasaki phải gánh chịu sau khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống đây vào những ngày cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng như phong trào phản đối vũ khí hạt nhân, điện nguyên tử ở Nhật Bản, ta sẽ hiểu thêm tại sao thi sĩ Goto Shoson lại bị ám ảnh bởi thảm họa hạt nhân như thế. Vũ khí hạt nhân, điện hạt nhân trong lời các chính trị gia, những ông trùm năng lượng thật quyền uy và lung linh rực rỡ. Nhưng ở đây, ở Fukushima, ở Nhật Bản những ngày đại họa này, nó thật gớm ghiếc và ám ảnh. Nó biến mặt đất mùa xuân thành địa ngục:
春の空に 原発爆破 地獄の絵

  Haru no sora ni              genpatsu bakuha              jigoku no e

Bầu trời xuân                   Lò hạt nhân nổ                 Bức tranh địa ngục”

Nó đem đến thần chết gõ cửa từng nhà:
原発放射能 あの世の切符を 持ってくる

  Genpatsu hoshano           anoyo no kippu wo         mottekuru

Phóng xạ hạt nhân           Đem đến                          Vé đi về bên kia”

 “ガンマ線 そっと玄関の 戸を叩く

  Ganma sen           sotto genkan no               to wo tataku

Tia gamma             Nhè nhẹ gõ cửa                Lối vào nhà”

Với thi sĩ Goto Shoson, điện hạt nhân cũng không khác mấy những quả bom nguyên tử:

東電が 原爆落とす うつくしま

  Toden ga    genbaku otosu                  utsukusima

Toden                    Thả hạt nhân                    Hòn đảo đẹp”

Bởi thế, thông điệp của thơ, thông điệp của thi sĩ là rất rõ:
福島は警告」原発いらぬ ベルリンのデモ

  Fukushima wa keikoku    genpatsu iranu                 Berurin no demo

Fukushima cảnh báo                  Không cần hạt nhân         Biểu tình Berlin”.

Sự bàng hoàng trước hiện thực tang thương và sự tan biến của thần thoại đương nhiên dẫn nhà thơ Goto Soshon chìm vào sự chiêm nghiệm và dòng suy tưởng quá khứ-hiện tại-tương lai. Nước Nhật tại sao lại phải đối mặt với thảm kịch này, nước Nhật rồi sẽ ra sao. Những trụ cột cơ bản nhất tạo dựng nên nước Nhật hiện đại như Hiến Pháp hiện lên:

大震災 憲法読んで 水を届ける

  Daishinsai           kenpo yonde                    mizu wo todokeru

Đại thảm họa                   Đọc Hiến pháp                Gửi nước”
原発の子 負けるな風評 憲法日

  Genpatsu no ko              makeruna fubyo               kenpobi

Trẻ hạt nhân          Không thua bình phẩm    Ngày Hiến pháp”

 

Phải chăng khi viết những dòng này thi sĩ Goto đang nghĩ về và muốn gửi đến người đọc thông điệp, một lần nữa cần suy ngẫm thật sâu về ba nguyên lý “hòa bình”, dân chủ, tôn trọng nhân quyền trong Hiến pháp 1946?

Nhưng trong thơ của Goto không chỉ có buồn đau.

Chính trong buồn đau, trong đổ nát và thảm họa, con người lại một lần nữa biết dừng lại để suy ngẫm thật sâu sắc về quá khứ-hiện tại-tương lại, về giá trị của sinh mạng và ý nghĩa thật sự của cuộc sống. Ta có thể tìm thấy những bài thơ hay viết về sợi dây kết nối con người như các bài 50, 79, 80, 96. Trong đó, bài 79 và 96 thật hay:
ランドセル 続々とどく 春帽子

  Randoseru zokuzoku todoku             haru boshi

Cặp táp                  Liên tục gửi đến      Nón xuân”

水の地球 そっと被爆者 抱き締める

  Mizu no chikyu            sotto hibakusha               daki shimeru

Trái đất đầy nước            Nhẹ nhàng ôm chặt                    Người nhiễm xạ”

Đọc những câu thơ này chắc hẳn đôc giả sẽ nhớ lại những hình ảnh đẹp về sự yêu thương, chia sẻ lẫn nhau, của tinh thần gắn kết và tình nguyện của người Nhật trong thảm họa đã được phát đi trên các phương tiện truyền thông toàn thế giới.

Chiếm số lượng lớn nhất trong tập thơ là những bài thơ viết về nỗ lực phục hưng và niềm hi vọng (khoảng 40 bài) nghĩa là chiếm gần một nửa tập thơ. Nước Nhật đã đổ nát bao lần vì thiên tai và cả vì chiến tranh, nhưng nước Nhật vẫn hồi sinh và lần này cũng thế. Hoa anh đào vẫn nở dù phóng xạ vây quanh:

ガンマ線に負けるな 安達太良山の 桜咲く

  Ganmasen ni makeru na          Adatara yama no              sakura saku

Không thua tia gamma     Núi Adatara           Anh đào nở”

Nước Nhật đẹp đẽ ấy sẽ hồi sinh vì có những con người đang nỗ lực cho sự phục hưng:

被災地の 新人職員や 復興の宝

  Hisaiti no   shinjin shokuin ya           fukko no takara

Vùng thiệt hại        Nhân viên mới                 Kho báu phục hưng

Đọc tập thơ, tôi như được trở lại những ngày ở Nhật Bản trong những ngày diễn ra thảm họa. Cuộc sống hiện đại dường như mỗi hối hả thêm và trong cuộc thường ngày ta sẽ cảm thấy như số phận cá nhân mỗi người là rời rạc. Ta sống một cuộc đời riêng và lướt đi qua nhau như những tồn tại không quan hệ. Tôi đôi lúc cũng có những cảm giác ấy. Đọc thơ Goto Shoson, tôi có cảm giác mình được thoát ra khỏi cảm giác ấy và cảm nhận đầy đủ mối liên hệ vô hình giữa mình với những người khác, thấy được sự gắn bó giữa số phận mình và số phận của những người tưởng chừng như xa lạ. Tiếng thơ của Goto Shoson là tiếng kêu về nỗi đau và tiếng hát về niềm hi vọng. Những câu thơ ấy, tôi tin, sẽ làm cho trái tim người đọc phập phồng cảm động cho dù là họ là người Việt Nam hay người Nhật.

Bài viết cùng danh mục