Tại sao người Việt sống ở nước ngoài lâu vẫn không ứng xử văn minh?

Nguyễn Quốc Vương 07/05/2024
Giáo dục Việt Nam và Nhật Bản



 

                                                                     Nguyễn Quốc Vương

 

Sự việc một du khách nào đó (mà có khả năng cao là người Việt) viết bậy lên hòn đá cổ trong di tích lịch sử nổi tiếng của Nhật ở tỉnh Tottori được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản đã làm cho cộng đồng người Việt trong và ngoài nước quan tâm, bàn luận sôi nổi. Trong quá trình bàn luận, nhiều người đặt ra vấn đề “tại sao người Việt cho dù sống ở nước ngoài lâu vẫn có nhiều người không ứng xử văn minh?”.

 

Đây là vấn đề nhạy cảm, nhạy cảm không phải vì nó thuộc vùng cấm kị mà bởi vì nó là chủ đề dễ gây tự ái hoặc làm cho nhiều người cảm thấy xúc phạm khi nghĩ người viết đã “vơ đũa cả nắm” hoặc có cái nhìn “tiêu cực” đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Cho dẫu vậy, với tất cả những gì đã xảy ra xoay quanh cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong những năm gần đây, muốn cải thiện tình hình, chúng ta không thể né tránh chủ đề này.

Với tư cách là người đã sống khoảng 8 năm ở Nhật trong đó có nhiều năm làm bán thời gian trong vai trò thông dịch viên cho các nghiệp đoàn, công ty có sử dụng lao động người Việt, cùng luật sư người Nhật hỗ trợ pháp lý cho những người Việt bị tạm giam, tạm giữ ở Nhật, tôi xin được thử bàn về nguyên nhân người Việt tại sao sống ở nước ngoài lâu mà vẫn hành xử không văn minh và vii phạm pháp luật sở tại.

Tất nhiên, một hiện tượng xã hội không thể chỉ vài trang giấy mà có thể làm rõ hết đầy đủ các khía cạnh. Cần phải có các điều tra xã hội học, nghiên cứu sâu hơn trong một khoảng thời gian đủ lớn, mẫu khảo sát đủ lớn. Ở đây tôi chỉ đưa ra những gì tôi quan sát, trải nghiệm và suy ngẫm để bạn đọc tham khảo.

Thứ nhất, cho dù ở nước ngoài lâu năm nhưng đa số người Việt đi ra nước ngoài học tập, sinh sống khi đã “hình thành giá trị quan” và “lối sống” khá vững chắc. Phần lớn người Việt đi ra nước ngoài học tập, lao động khi đã qua độ tuổi quan trọng để hình thành nhân cách. Họ đã tốt nghiệp trường trung học phổ thông hay tốt nghiệp đại học. Chẳng hạn như cộng đồng du học sinh ở những nơi tôi học ở Nhật (tôi đã học ở hai trường đại học khác nhau ở Nhật), đa phần là những người đến Nhật Bản khi đã tốt nghiệp phổ thông (một số ít) và đa số là đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam. Sau 18-20 năm sống ở một đất nước đang phát triển, những thói quen sinh hoạt, giá trị quan…đã được hình thành khá vững chắc. Những thói quen, giá trị quan đó có thể phù hợp hoặc “không vấn đề gì” khi ở Việt Nam nhưng khi “áp dụng” duy trì nó ở nước ngoài có thể gây ra những rắc rối hoặc vi phạm pháp luật. Ví dụ ở Việt Nam chuyện mang cần câu ra câu cá ở một con sông hay vùng biển nào đó là bình thường nhưng ở Nhật thì “không chỗ nào không có chủ” vì thế có thể sẽ vi phạm pháp luật hoặc ít nhất cũng vi phạm quy chế của địa phương hay tổ chức quản lý. Ví dụ như ở Nhật muốn câu cá ở con sông nào đó có khi phải xin phép và nộp phí (dù nhỏ) cho nghiệp đoàn ngư nghiệp địa phương vì họ quản lý, thả cá giống ra tự nhiên. Ngoài ra muốn đánh bắt cá còn phải đánh bắt đúng thời điểm (mùa), đúng phương pháp. Truyền thông Nhật đã từng đưa tin cảnh sát Nhật ở Tokyo bắt giữ hai người Việt vì đánh bắt cá trên sông bằng lưới có kích cỡ không phù hợp vi phạm luật của Nhật. Một ví dụ nữa là người Việt có thói quen mở đài, loa to, hát karaoke vang đến tận nhà hàng xóm hoặc khu phố. Ở Việt Nam có thể có người khó chịu nhưng về cơ bản người ta thông cảm và chấp nhận thực tế ấy nhưng ở Nhật như thế là đủ để cảnh sát tới làm việc nhắc nhở, ghi biên bản, thậm chí xử phạt.

Những thói quen, giá trị quan đã được hình thành từ nhỏ, trải qua 18-20 năm đã trở nên vững chắc. Nó không thể thay đổi một sớm, một chiều. Đấy là lý do người Việt khi đến nước ngoài vẫn rất “thuần Việt” trong nhiều thói quen xấu và vẫn có giá trị quan xung đột với giá trị quan phổ quát hoặc giá trị quan phổ biến của người bản xứ.

 

Thứ hai, người Việt khi ra nước ngoài hay có xu hướng sống co cụm với nhau tạo ra một cộng đồng giống như một ngôi làng nhỏ. Khi xa quê hương, sự thiếu thốn tình cảm đã làm cho sự đồng cảm giữa những con người chung một ý thức về nguồn gốc, ngôn ngữ, văn hóa trở nên rất mạnh mẽ. Chính vì vậy người Việt dễ làm quen, dễ kết thân với nhau và có xu hướng sống gần nhau để giao lưu, san sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Họ có thể thuê cùng một khu nhà, sống trong cùng một khu phố hoặc ở trọ trong cùng một phạm vi địa lý có bán kính nhỏ hẹp nào đó. Họ tạo ra một cộng đồng người Việt gắn kết với nhau thường xuyên, ở nhiều phương diện. Ưu điểm của lối sống này là họ có thể giao lưu, thắt chặt tình cảm lúc vui buồn và giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống. Tuy nhiên hê lụy của nó cũng rất nhiều. Từ quan tâm tới “soi mói đời tư”, “nói xấu sau lưng”, “kéo bè kéo cánh”, từ “giúp đỡ lẫn nhau” tới “đóng cửa tự ti”, “ỷ lại”, “lợi dụng” trong thực tế chỉ cách nhau gang tấc. Kết quả là khi sống quần tụ bên nhau người Việt ít có cơ hội giao lưu, tiếp xúc, thâm nhập sâu vào đời sống của người dân bản xứ. Những người không biết tiếng bản xứ vẫn có thể sống ổn vì có sự giúp đỡ của những người có năng lực giao tiếp với người dân ở đây. Những cộng đồng kiểu này cũng tạo ra môi trường cho những thói quen sinh hoạt, tư duy tiêu cực, không phù hợp tiếp tục bám rễ, phát triển. Có nhiều khi chuyện xả rác bừa bãi, làm ồn khi nhậu nhẹt, hát karaoke ầm ĩ, hay tệ hơn là đi bắt chim thú hoang dã về thịt ăn, trốn vé tàu…cũng nảy sinh trong những lần tụ tập hay xuất phát từ môi trường “làng xã” như thế. Người nọ mách người kia các mánh khóe phản văn minh.

Cho dù không có lũy tre, xung quanh cộng đồng người Việt ở nước ngoài lâu dần cũng đã hình thành một hào lũy vô hình bao bọc, bảo vệ các lề thói cũ và cản trở sự ảnh hưởng tích cực từ thế giới bên ngoài vào. Trong không gian được vây bọc bởi hào lũy đó, sự bảo thủ và vô minh sinh sôi, nảy nở núp dưới bóng tập thể để lấn át và trấn áp những gì tươi mới.

 

Thứ ba, người Việt không có sự chuẩn bị tốt khi ra sống ở nước ngoài và khả năng thích nghi kém. Trừ một số ít trường hợp có bố mẹ làm việc trong môi trường quốc tế hay các sinh viên, học sinh có bố hoặc mẹ là người nước ngoài, đa phần học sinh, sinh viên, người lao động Việt Nam không có nền tảng tốt để sống trong môi trường đa văn hóa. Năng lực ngoại ngữ yếu là một trở ngại. Không rõ ở các cộng đồng khác thế nào nhưng riêng ở Nhật thì tôi thấy rằng tỉ lệ người Việt có thể giao tiếp được bằng tiếng Nhật với người Nhật chỉ chiếm một tỉ lệ vô cùng nhỏ bé. Nhiều du học sinh sang học bằng tiếng Anh và vì thế họ chỉ có thể nói chuyện được với một số lượng người Nhật nhỏ bé bao gồm giáo sư hướng dẫn và một vài người Nhật làm việc ở bộ phận giao lưu quốc tế. Lao động  người Việt sang Nhật cũng không được học tiếng Nhật chu đáo nên hầu như không nghe và nói được. 3 hay 6 tháng học tiếng Nhật ở Việt Nam không có ý nghĩa gì nhiều cho đời sống sản xuất tại nhà máy. Không nói không viết, không đọc được tiếng Nhật khiến cho người Việt gặp phải vô vàn khó khăn trong đời sống tinh thần và không hiểu được văn hóa bản xứ cho dù ở một thời gian người ta dễ có sự nhầm lẫn rằng tất cả những gì người ta nhìn thấy là bản chất của sự vật. Không hiểu biết sẽ dẫn đến hành xử sai hoặc không phù hợp. Trong một lần đi làm thông dịch viên hỗ trợ cho luật sư, tôi đã vô cùng choáng váng khi biết một thanh niên người Việt sang Nhật đã hơn 3 năm mà không nói được một câu gì tiếng Nhật ngoài mấy câu “cảm ơn”, “xin lỗi”, “xin chào” và hoàn toàn không ăn được đồ ăn của Nhật. Anh ta phải nhập viện vì không ăn được cơm trong trại tạm giam của Nhật với lý do “đồ ăn ngọt”. Luật pháp không cho phép anh ta có thực đơn riêng, sau cùng cảnh sát có hỏi tôi để tư vấn. Do không thể cung cấp nước mắm cho anh, cảnh sát đổi nước tương Nhật bằng muối và anh đã ăn trở lại. Thiếu nền tảng kiến thức và công cụ ngoại ngữ để hiểu văn hóa bản xứ đã dẫn đến tình trạng “tự tin quá mức” khi diễn giải văn hóa bản xử qua cái nhìn cảm tính bề ngoài dựa trên những gì nhìn thấy và các nguồn thông tin kiểu “truyền miệng”. Hệ quả tất yếu là dẫn đến làm cho người bản xứ mất cảm tình, gây ra các va chạm không đáng có. So với cộng đồng người Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, cộng đồng người Việt có vẻ như thiếu đoàn kết và hội nhập kém hơn.

Cuối cùng, tất cả các nguyên nhân trên tương tác, hòa trộn lẫn nhau tạo ra kết cục người Việt vi phạm pháp luật nước sở tại ở nhiều mức độ khác nhau. Ở Nhật, theo trải nghiệm và quan sát của tôi thì các vụ phạm pháp như trộm cắp,bỏ trốn (thực tập sinh kĩ năng), cư trú bất hợp pháp…chiếm tỉ lệ cao nhất. Tình trạng ấy làm cho không chỉ những người phạm pháp, những người bị tình nghi bị rắc rối, trừng phạt mà những người khác cho dù không làm gì sai cũng phải gánh chịu từ thái độ của người bản xứ tới những hành vi phân biệt đối xử hoặc nghiêm khắc khác. Đấy là một bất lợi rất lớn ngăn cản người Việt phát huy khả năng trong hội nhập cùng cộng đồng quốc tế.

 


Bài viết cùng danh mục