Sự biến mất của những chú cua đồng
Nguyễn Quốc Vương 02/04/2024
Sáng tác - Dịch thuật
Tháng Tám ở Nhật nóng nhức mắt. Lươn nướng bán rất chạy. Người Nhật tin rằng ăn lươn nướng khi trời nóng bức sẽ giải nhiệt tốt cho cơ thể. Nghe nói có một học giả Hà Lan học sống vào thời Edo đã tạo ra huyền thoại này. Ông cần tiền để nghiên cứu nên đã nhận viết một cuốn sách nói về tác dụng của lươn nướng trong ngày trời nóng cho một chủ cửa hàng lươn. Kết quả là cuốn sách của ông có sức tác động ngoài tưởng tượng. Nước Nhật hình thành thói quen ăn lươn nướng vào những ngày nóng nhất trong năm. Ở ý nghĩa đó, ông giống như là cha đẻ của ngành marketing ở Nhật.
Nắng thế này lại nhớ chuyện bắt cua ở quê.
Những ngày tháng Tám hồi đó vào những ngày nắng nóng như thế này tôi và bọn trẻ trong làng thường ra các con đầm trước làng như Chầm Viên, Bờ Cầu, Chầm Sông bắt cua.
Nắng to, nước nóng cua hoặc là chui vào hang hoặc là bò lên bờ hoặc trèo lên các gốc gạ. Lũ trẻ con chỉ việc nhặt. Bắt cua trong hang kinh nhất là thò tay vào hang gặp rắn. Loại rắn trốn trong hang cua thường là rắn Mú. Có cắn cũng chỉ đau tí chút vì không có đôc. Nhưng cảm giác sờ phải con rắn trơn nhớt cuộn tròn trong hang đầy bùn và nước cũng rất hãi. Nếu bắt phải con cua đá hay cua kềnh có càng to nó cắp chặt lấy ngón tay và tử thủ cho đến khi càng gãy thì cũng hãi. Đau không rút được cả tay ra. Có rút ra, ngón tay có khi còn dính nguyên cả cái càng cua.
Cũng có đứa thì lội dọc các bờ quanh ruộng lúa để bắt cua. Đọc sách người Nhật viết về Việt Nam thấy họ bày tỏ sự ngạc nhiên khi ở Việt Nam người ta có thể bắt cua, cá, ốc… trên phần đất thuộc sở hữu của người khác mà không xảy ra vấn đề gì. Ở Nhật, đất nào cũng có chủ. Những con cua, con ốc, con chim sống trên đất của ai thì thuộc sở hữu của người đó.
Sau này việc bắt cua trở nên chuyên nghiệp hơn khi bọn trẻ biết chế ra cái móc cua làm bằng thanh sắt một đầu uốn cong và một đầu lắp vào chuôi tre hoặc gỗ. Dùng thanh này có thể bắt được cua ở đủ các loại hang sâu, có gờ sỏi,đá mà bình thường dùng tay để bắt sẽ bị xước da rớm máu.
Nắng tháng tám cháy cả tóc nhưng vẫn thích trốn mẹ ra đồng bắt cua. Mẹ cũng thích cua cáy nên mang cua về không thấy mẹ mắng.
Những ngày đó nhà lại có món canh cua ăn dưới hiên nhà.
Bây giờ ở làng, tháng Tám trời có vẻ nắng hơn nhưng không có đứa trẻ nào chạy ra Chầm Sông, Chầm Viên nhặt cua nữa. Cua, cá đã bỏ làng mà đi. Nước ở đầm hoặc là trong một cách đáng ngờ hoặc là sầu bọt. Đỉa cũng không còn chỉ có ốc bươu vàng là trụ được. Có lẽ thuốc trừ sâu, phân hóa học và nước sông bị ô nhiễm đã làm cho sinh vật sống trong đất biến mất. Cá cua không có gì ăn và cũng không thể nào sinh đẻ được. Bây giờ ở làng, mấy ai nhìn thấy trứng ếch hay trứng tôm ngoài đồng nữa?
Cánh đồng và mặt nước đã trở nên im lặng. Sự im lặng như dấu hỏi tại sao?
Nguyễn Quốc Vương
Nhật Bản, 5/8/2016