“Sapiens-Lược sử loài người bằng tranh”-Nơi lịch sử được kể theo cách khác

Nguyễn Quốc Vương 02/07/2024
Giới thiệu sách

Bài đã in trong "Đọc sách thú vị hơn em tưởng" (NXB Lao Động, 2023) 

 

Có lẽ rất nhiều người đã mang theo ấn tượng suốt cuộc đời rằng môn Lịch sử thật nhàm chán và khô cứng khi rời trường phổ thông. Những sự kiện gắn với các con số, những đoạn trần thuật khô khốc kiểu vô nhân xưng không rõ là ai kể, những chuyện đã xảy ra xa lơ xa lắc với những mốc thời gian gian được tính tương đổi kiểu “khoảng vài chục vạn năm”, “20-30 nghìn năm trước”…

Hơn nữa, lịch sử được viết trong sách giáo khoa và dạy trong nhà trường ở bất cứ nước nào đa phần cũng là lịch sử trước thời cận và hiện đại. Phần cận hiện đại, đặc biệt là phần hiện đại chỉ chiếm một dung lượng không đáng kể. Có nghĩa rằng người học sẽ có cảm giác những chuyện được gọi là lịch sử ấy đã diễn ra rất xa xôi, không có mối liên hệ hay ảnh hưởng gì tới họ và bởi thế người học không cảm nhận được rõ ràng ý nghĩa của nó.

Tuy nhiên, cảm giác ấy sẽ biến mất khi người đọc, cho dù là trẻ em hay người lớn đọc “Sapiens- Lược sử loài người bằng tranh- tập 1: Khởi đầu của loài người ”, tác phẩm ra đời từ sự hợp tác của ba tác giả Yuval Noah Harari, David Vandermeulen, Daniel Casanave (Omega+, 2021).

Một phiên bản đặc biệt

Trước đó Omega+ từng xuất bản “Sapiens-lược sử loài người” của Yuval Noah Harari, một nhà sử học người Mĩ gốc Do thái. Tác phẩm đã được nhiều bạn đọc đón đọc và thảo luận sôi nổi.

Cuốn sách này, cho dù dày và nặng kí cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đã được đông đảo bạn đọc đón nhận và thảo luận sôi nổi.

Đọc ông, người ta sẽ đi từ ngỡ ngàng này tới ngỡ ngàng khác và đọc xong rồi sẽ còn lại trong đầu những câu hỏi và sự suy tư.

 Ông đã rất thành công khi khiến người đọc, cho dù là bạn đọc bình dân hay các nhà nghiên cứu, thêm một lần suy ngẫm về ý nghĩa thật sự của sử học.

Lần này, những nội dung đã xuất hiện trong cuốn sách đó được tái cấu trúc, tái sáng tạo trong một phiên bản đặc biệt-phiên bản “bằng tranh”. Ở nước ngoài, chuyện một tác phẩm kinh điển, tác phẩm nổi tiếng, bán chạy hay có ảnh hưởng được sản xuất với nhiều phiên bản dành cho nhiều đối tượng khác nhau rất phổ biến. Tuy nhiên, cho dù là cùng thể hiện một nội dung, mỗi phiên bản đều có sự độc đáo và hấp dẫn riêng.

Những ai từng đọc “Sapiens-lược sử loài người” trước đó hẳn sẽ rất hồi hộp khi lật sách ra để xem phiên bản bằng tranh có gì đặc biệt.

Cuốn sách mở đầu bằng lời đề tựa của Yuval Noah Harari rất gợi: “DÀNH TẶNG SỰ TUYỆT CHỦNG, MẤT MÁT VÀ QUÊN LÃNG. MỌI THỨ HỢP RỒI LẠI TAN”. Đọc lời tựa này ta có cảm giác ông giống như một nhà hiền triết phương Đông nào đó, hơn là một nhà sử học phương Tây ưa mổ xẻ và phân tích.

Sau đề tựa là “MỐC SỰ KIỆN THEO DÒNG THỜI GIAN” in trong hai trang.

Cuốn sách dẫn dắt người đọc dõi theo tiến trình lịch sử của vũ trụ-trái đất và nhân loại dọc theo trục thời gian với cách phân kì độc đáo: từ lịch sử của vật lý, tới lịch sử hóa học, sinh học và cuối cùng là lịch sử văn hóa với 4 đề mục cũng là 4 chương:

- Những kẻ nổi loạn trên đồng cỏ

- Những bậc thầy hư cấu

- Tình dục, nói dối và hang động

- Những kẻ sát nhân liên lục địa

 Một lối kể đặc biệt

Là phiên bản bằng tranh, đương nhiên sức hấp dẫn lớn của sách đến từ sự trực quan, sinh động. Tuy nhiên, không chỉ có thế, sức hấp dẫn và sự độc đáo của tác phẩm còn nằm ở nhiều thứ khác.

Thứ nhất, lời văn trong sách được viết rất cô đọng, dễ hiểu, và có sức khái quát cao. Đọc một câu văn người đọc có thể hình dung ra cả một thời đại hàng trăm nghìn năm, thậm chí hàng tỉ năm. Ví dụ, ta dễ dàng bắt gặp trong sách những câu trần thuật hay diễn giải như thế này: “Khoảng 14 tỉ năm về trước, vật chất, năng lượng, thời gian và không gian được hình thành trong sự kiện mà chúng ta gọi là vụ nổ lớn-Big Bang. Câu chuyện về những đặc tính cơ bản này của vũ trụ được gọi là vật lý”; “Câu chuyện về các nguyên tử, phân tử và những tương tác giữa chúng được gọi là hóa học”; “Câu chuyện về các sinh vật được gọi là sinh học”; “Quá trình phát triển văn hóa của con người được gọi là lịch sử”…

Rất nhiều thứ rối tinh rối mù trong nhận thức của chúng ta đã được dồn nén, sắp xếp lại trong một trật tự cô đọng và hợp lý.

Thứ hai, lịch sử xuất hiện ở đây không phải là thứ lịch sử “vô nhân xưng” lạnh lùng và chết cứng như thường thấy trong các cuốn sách giáo trình-sách giáo khoa, nơi nhà sử học-tác giả kể về đủ thứ nhưng giấu mặt. Trong cuốn truyện bằng tranh này, sẽ có nhiều người cùng kể về lịch sử như nhà sử học Yuval Noah Harari, giáo sư –nhà sinh học Saraswati, giáo sư Dunbar-chuyên gia về giao tiếp của con người, thậm chí là thám tử Lopez. Kĩ thuật kể này được gọi là kĩ thuật “trần thuật đa giọng điệu” gần đây được nhiều nước áp dụng cho cả sách giáo khoa lịch sử dành cho tiểu học để làm tăng tính hấp dẫn của sách. Lối kể này, về mặt học thuật, nói lên rằng để hiểu lịch sử, người ta cần rất nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra tính hấp dẫn của câu chuyện được kể khi lịch sử được nhìn nhận từ nhiều phía.

Thứ ba, lịch sử được kể trong phiên bản bằng tranh này thật sự là một cuộc “đối thoại liên tục giữa nhà sử học với sử liệu, giữa hiện tại quá khứ và tương lai” như E.H.Car[1] từng phát biểu. Đó là sự đối thoại giữa nhà sử học Yuval Harari với Zoe-một thiếu niên tò mò ham hiểu biết; sự đối thoại của các giáo sư như Yuval Harari với những chứng cứ khảo cổ học như công cụ, hóa thạch, di chỉ còn để lại trong lòng đất, giữa các giáo sư với công chúng trong các cuộc hội thảo (chẳng hạn như cuộc hội thảo về đời sống xã hội và tinh thần của người hái lượm-săn bắt xa xưa), giữa hiện tại-quá khứ-và tương lai như phiên tòa truy vấn về tội ác diệt chủng các loài thú lớn của Sapiens và nguy cơ phá hủy hệ sinh thái của con người hiện tại…

Lối kể luôn thay đổi điểm nhìn từ hiện tại nhìn về quá khứ, rồi lại từ quá khứ suy ngẫm, liên tưởng tới hiện tại, tương lai với những chuyến du hành xuyên thời gian của con người hiện đại tới nhiều thời điểm khác nhau của lịch sử trên nhiều miền đất khác nhau làm cho độc giả không cảm thấy mệt mỏi, đồng thời hình dung và cảm nhận được ý nghĩa của lịch sử.

Harari đã xuất hiện trong sách như là một người kể chuyện trực tiếp đối thoại cùng độc giả.

Cuối cùng là sự hài hước. Sự hài hước đã làm cho việc trần thuật lịch sử trở nên có duyên và hấp dẫn. Chẳng hạn khi mô tả về 6 loài người từng tồn tại trên trái đất với những đặc điểm được tóm tắt trên mỗi tấm thẻ có vẽ chân dung, các tác giả đã mô tả về Homo Sapiens thế này:


HOMO SAPIENS

BIỆT DANH: NGƯỜI TINH KHÔN

Gia đình loài người 50.000 năm trước.

Địa điểm: mọi nơi, kể cả trên mặt trăng

Tồn tại: 300.000 năm trước tới nay. Có thể sẽ tuyệt chủng trước năm 2100.

Đặc trưng: Tự họ nghĩ khôn hơn tất cả.

Điểm mạnh: Giỏi chế tạo công cụ, từ bàn chải đánh răng cho tới tên lửa xuyên lục địa.

Điểm yếu: Cái tôi lớn. Hay tin vào chuyện vô lý

Song song với hài hước là lối giải thích, ví von đầy hình ảnh:
Hầu hết bào thai của động vật có vú đều giống như đồ đất nung tráng men được lấy ra khỏi lò. Mọi nỗ lực nhằm sửa sang lại sẽ chỉ làm trầy xước hoặc phá hỏng chúng”; “Em bé ra khỏi bụng mẹ giống như thủy tinh nóng chảy. Chúng có thể được uốn nắn, kéo dài và tạo hình với một mức độ tự do đáng ngạc nhiên”.

Tất cả những yếu tố trên được hòa trộn, gia giảm, kết hợp khéo léo trong toàn bộ tác phẩm đã làm nên sức hấp dẫn đối với cả bạn đọc người lớn và trẻ em trên 13 tuổi.

Bài viết cùng danh mục