Bài trình bày tại Hội thảo "Báo cáo các hoạt động phát triển văn hóa đọc, đề xuất giải pháp quản lý đối với phương thức học tập tự học và văn hóa đọc trong khuôn khổ các chương trình giáo dục thường xuyên" do Vụ giáo dục thường xuyên-Bộ giáo dục và đào tạo phối hợp với Đại học sư phạm Hà Nội 2 tổ chức tại Đại học Sư phạm Hà Nội 2 ngày 24/11/2023.
Nguyễn Quốc Vương
Dẫn nhập
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, “văn hóa đọc” đã trở thành từ khóa quan trọng của truyền thông, giáo dục và các sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam. Điều này phản ánh sự quan tâm trở lại của các nhà nước, các cơ quan đoàn thể và người dân đối với văn hóa đọc vỗn đã bị bỏ quên, coi nhẹ trong một thời gian dài. Trải qua 10 năm (2014-2023) kể từ khi Thủ tướng chính phủ ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam, các hoạt động tôn vinh, phát triển văn hóa đọc đã đạt được một số kết quả bước đầu nhờ các chính sách và hoạt động khuyến đọc được thực hiện trên diện rộng. Tuy nhiên, để khuyến đọc không chỉ dừng lại là phong trào, hình thức mà đi vào chiều sâu, trở thành bộ phận gắn bó mật thiết với mọi mặt đời sống xã hội, trở thành nền tảng cơ bản cho cá nhân học tập, sinh hoạt, lao động, các chính sách và hoạt động khuyến đọc cần phải được xây dựng và thực hiện trên cơ sở có cân nhắc, chú ý tới yếu tố “liên thế hệ”. Trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách và các hoạt động khuyến đọc đó, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng là công việc không thể thiếu. Trong bài viết này, tác giả sẽ điểm qua một số mô hình khuyến đọc liên hế hệ đã bước đầu thu được một số thành tựu nhất định tại Việt Nam đồng thời phân tích và rút ra một số bài học từ các chính sách và hoạt động khuyến đọc ở Nhật Bản có thể áp dụng vào thực tiễn nước ta.
1. Phát triển văn hóa đọc liên thế hệ nhìn từ một số mô hình thực tiễn
Để có văn hóa đọc, khuyến đọc là hoạt động quan trọng vì nó tạo ra không gian, môi trường và các điều kiện thuận lợi khác thúc đẩy, kích thích, động viên trẻ em, người lớn tiếp cận với sách, đọc sách và áp dụng những gì đọc được vào cuộc sống. Thông thường trên thế giới hoạt động khuyến đọc sẽ được tiến hành bởi nhiều chủ thể như nhà nước, các tổ chức-đoàn thể giáo dục, khuyến đọc của tư nhân, các NPO, các công ty giáo dục, truyền thông, các cá nhân tình nguyện. Ở Việt Nam, thẳng thắn mà nói các cơ quan, tổ chức tham gia vào hoạt động khuyến đọc còn ít và chưa sâu. Nhiều cơ quan, tổ chức, kể cả trường học chỉ nhắc tới khuyến đọc trong các kì phát động “Tuần lễ học tập suốt đời” hay “Ngày sách Việt Nam” mà không tiến hành thường xuyên các hoạt động khuyến khích học sinh đọc sách. Nhiều thư viện công và thư viện trường học hoạt động không hiệu quả do chưa tiến hành các hoạt động khuyến đọc. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung đó vẫn có nhiều nơi làm tốt. Dưới đây, tôi sẽ dẫn ra và phân tích một vài mô hình đã tiến hành khuyến đọc liên thế hệ thành công. Ở đó có sự kết nối giữa các thế hệ trong các hoạt đông khuyến đọc, tạo ra sức mạnh lôi cuốn, hấp dẫn bạn đọc đến với sách và có tác động tốt tới người dân ở địa phương, tạo ra hiệu ứng dây chuyền khi khơi gợi cảm hứng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tiến hành các hoạt động khuyến đọc.
1.1. Tủ sách gia đình Văn Bùi
Tủ sách gia đình Văn Bùi do thầy Bùi Văn Đông, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình sáng lập và điều hành. Tủ sách gia đình Văn Bùi được thành lập ngày 21 tháng 4 năm 2018 và hoạt động liên tục từ đó cho đến nay. Hiện tại, thầy Bùi Văn Đông đã nghỉ hưu (từ tháng 4 năm 2023) và chuyên tâm cho hoạt động khuyến đọc lấy Tủ sách gia đình Văn Bùi làm trung tâm.
Tính đến thời điểm này, Tủ sách gia đình Văn Bùi hiện có gần 5000 bản sách thuộc nhiều thể loại. Tủ sách thường xuyên nhận được sách biếu, tặng từ bạn đọc, đồng nghiệp, cựu học sinh của thầy Bùi Văn Đông và từ các công ty sách, nhà xuất bản. Bởi vậy sách được cập nhật thường xuyên với nhiều thể loại phong phú, đáp ứng nhu cầu của độc giả ở nhiều lứa tuổi. Tủ sách mở cửa phục vụ bạn đọc miễn phí vào hai ngày cuối tuần. Do không gian đặt tủ sách chật chội (thầy Bùi Văn Đông cùng gia đình đang sống trong căn nhà 2 tầng có diện tích rất nhỏ) nên Tủ sách gia đình Văn Bùi chỉ phục vụ cho mượn để đọc ở nhà mà không phục vụ đọc tại chỗ.
Đối tượng đến mượn sách rất đa dạng nhưng chủ yếu là học sinh các cấp trên địa bàn huyện Yên Mô và các huyện lân cận. Thầy Bùi Văn Đông là người trực tiếp phục vụ bạn đọc. Mỗi bạn đọc lần đầu đến Tủ sách gia đình Văn Bùi sẽ được cấp một thẻ để theo dõi việc mượn và trả sách. Khi mượn sách, thủ thư sẽ ghi tên các cuốn sách mượn vào đó và cho bạn đọc kí xác nhận, khi trả sách sẽ gạch đi và kí xác nhận. Hiện tại Tủ sách gia đình Văn Bùi có khoảng 300 bạn đọc thường xuyên (300 thẻ) và mỗi năm phục vụ khoảng trên 1 vạn lượt bạn đọc.
Ngoài hoạt động cho mượn sách, trên cương vị là phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo kiêm người sáng lập, sở hữu Tủ sách gia đình Văn Bùi, thầy Bùi Văn Đông còn kết nối mời các diễn giả về giao lưu, nói chuyện với các giáo viên, học sinh ở các trường học trên địa bàn huyện Yên Mô và tỉnh Ninh Bình. Bản thân tôi đã từng được thầy kết nối, mời về nói chuyện khuyến đọc tại rất nhiều ngôi trường ở huyện Yên Mô như Trường THPT Yên Mô A, Trường tiểu học Yên Phú, Trường tiểu học Yên Đồng, Trường tiểu học Khánh Thượng…
Tủ sách gia đình Văn Bùi cũng là nơi giao lưu, kết nối các phụ huynh có con là bạn đọc của tủ sách. Nhiều phụ huynh đã cho con tham gia các buổi giao lưu do Tủ sách gia đình Văn Bùi phối hợp với các trường học tổ chức như tham quan Không gian văn hóa đọc Đông Tây và phố sách ở Hà Nội. Tủ sách gia đình Văn Bùi cũng tặng nhiều sách cho các trường học trên địa bàn huyện Yên Mô.
Trên cơ sở quan sát hoạt động của Tủ sách gia đình Văn Bùi và phỏng vấn thầy Bùi Văn Đông, người sáng lập, chủ sở hữu và điều hành tủ sách, tôi rút ra một số yếu tố làm nên thành công của Tủ sách như dưới đây:
Thứ nhất, thầy Bùi Văn Đông đã phát huy tinh thần tự chủ, đầy trách nhiệm của một người thầy, một cán bộ quản lý giáo dục. Nhiều người khi đảm nhiệm cương vị phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo sẽ e ngại những công việc xã hội như mở tủ sách miễn phí phục vụ bạn đọc tại nhà, tuy nhiên thầy Bùi Văn Đông đã dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và làm tốt cả hai công việc trên. Trên thực tế, hai công việc này đã hỗ trợ nhau giúp thầy làm tốt nhiệm vụ được giao và giành được sự kính trọng, tin yêu của phụ huynh, giáo viên, đồng nghiệp.
Thứ hai, thầy Bùi Văn Đông đã tạo ra sự kết nối tốt giữa giáo viên với phụ huynh, học sinh thông qua Tủ sách gia đình Văn Bùi. Sự ủng hộ chân thành từ đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh đã giúp cho tủ sách phát triển bền vững, vượt qua được rất nhiều khó khăn.
Thứ ba, Tủ sách gia đình Văn Bùi có lượng sách phong phú đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh, bạn đọc ở địa phương. Ở các địa phương, việc tìm kiếm được sách hay, sách phù hợp không phải là dễ. Nhiều thư viện công, thư viện trường học chỉ có sách tham khảo, sách xuất bản theo nhiệm vụ, đơn đặt hàng mà không có sách phục vụ các nhu cầu giải trí, học tập mở rộng của học sinh. Gần 5000 cuốn sách trong Tủ sách Gia đình Văn Bùi là một tài sản lớn, vô giá, một nguồn tài nguyên chung cho tất cả bạn đọc yêu sách ở Yên Mô và tỉnh Ninh Bình.
Xét ở nhiều phương diện, Tủ sách gia đình Văn Bùi hoàn toàn có thể là một mô hình tốt, xứng đáng để học hỏi, nhân rộng trên toàn quốc.
1.2. Không gian đọc Hy vọng của Đỗ Hà Cừ
Sự thành công của Không gian đọc Hy Vọng được sáng lập bởi Đỗ Hà Cừ ở thành phố Thái Bình là một câu chuyện đẹp, có sức truyền cảm mạnh mẽ.
Đỗ Hà Cừ (sinh năm 1984) là nạn nhân chất đọc màu da cam, ngay khi sinh ra Cừ đã không thể vận động bình thường, lớn lên phải ngồi xe lăn và nói rất ngọng, mỗi lần nói phải gắng sức rất khó khăn. Cừ không một ngày được đến trường nhưng được mẹ dạy chữ nên có thể đọc thông viết thạo. Nhờ ham mê đọc sách Đỗ Hà Cừ đã có một vốn hiểu biết rất đáng nể không kém gì những người tốt nghiệp đại học. Không gian đọc Hy Vọng được Đỗ Hà Cừ sáng lập ngày 24/7/2015 nằm trong chuỗi Không gian đọc do anh Trần Thiện Tùng và bạn bè sáng lập.
Ban đầu Không gian đọc Hy Vọng có 300 bản sách. Đến nay, qua nhiều lần được các nhà hảo tâm tài trợ, các nhà sách, công ty xuất bản, cá nhân tặng sách, số bản sách đã lên đến gần 10.000 cuốn sách phục vụ bạn đọc ở nhiều độ tuổi khác nhau. Ngoài ra Không Gian Đọc Hy Vọng còn sở hữu khoảng 3000 bản sách khác để luân chuyển trong hệ thống không gian đọc do các bạn bè của Đỗ Hà Cừ sáng lập, điều hành. Điều đáng chú là tất cả những chủ nhân của các Không gian đọc này đều là những người khuyết tật nặng. Cho đến nay Đỗ Hà Cừ đã tham gia giúp đỡ sáng lập, điều hành, cung cấp sách cho 31 không gian đọc do người khuyết tật sở hữu, vận hành. Nếu nhìn Cừ không ai nghĩ một người nhỏ bé, bị khuyết tật nặng, đến cử động một vài ngón tay hay nói còn khó khăn mà có thể làm được từng ấy việc. Giúp đỡ Cừ trong cuộc sống hàng ngày và vận hành các Không gian đọc là bác Kim Sơn-mẹ Đỗ Hà Cừ. Hai mẹ con luôn bên nhau trong các hoạt động khuyến đọc.
Ngoài sáng lập, tổ chức, vận hành các hoạt động khuyến đọc ngay tại Không gian đọc Hy Vọng, Đỗ Hà Cừ còn tới giao lưu với học sinh các trường phổ thông, sinh viên các trường đại học và tổ chức các sự kiện khuyến đọc trong cộng đồng. Các cuộc thi bình chọn sách, điểm sách dành cho bạn đọc của Không gian đọc Hy Vọng đã thu hút nhiều bạn đọc tham gia và có hiệu ứng lan truyền rộng rãi.
Thành công mà mô hình Không gian đọc Hy Vọng có được là nhờ mấy yếu tố.
Thứ nhất là nhận thức tiến bộ của gia đình Đỗ Hà Cừ và bản thân Đỗ Hà Cừ khi can đảm tiếp thu mô hình Không Gian Đọc từ anh Trần Thiện Tùng và triển khai nó trong thực tiễn. Để một người khuyết tật vượt qua tâm lý mặc cảm, tự ti trong cuộc sống đã khó, để họ tham gia vào các hoạt động xã hội còn khó hơn nhiều lần. Ở đây, Đỗ Hà Cừ và mẹ là một tấm gương sáng về sự dấn thân phụng sự xã hội. Khi những người như Đỗ Hà Cừ dấn thân phụng sự xã hội, nhiều người khác bao gồm cả người khuyết tật và khỏe mạnh sẽ phải suy ngẫm về chuyện “mình có thể làm được gì cho cộng đồng”.
Thứ hai là sự kết nối giữa những người cùng cảnh ngộ như Đỗ Hà Cừ và sự giúp đỡ của những người xung quanh từ gia đình, họ hàng tới bạn bè, cộng đồng khuyến đọc trên toàn quốc.
Thứ ba là sự hỗ trợ tốt của mạng internet, các trang mạng xã hội như Facebook và các thiết bị công nghệ khác. Đỗ Hà Cừ không thể tự do di chuyển và thể lực yếu nhưng nhờ các thiết bị công nghệ và mạng internet Cừ có thể giao lưu, tiếp xúc và kết nối với nhiều người, ở nhiều thế hệ, thuộc nhiều địa phương tạo ra một mạng lưới rộng lớn.
Các địa phương cần tham khảo mô hình Không Gian đọc Hy Vọng để phát triển các tủ sách gia đình, thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng. Mô hình này sẽ là nơi giúp những người khuyết tật tham gia tích cực vào đời sống xã hội và học tập, phát triển bản thân.
1.3. Thư viện làng Cò và các tủ sách dòng họ, gia đình ở Đông Xuyên (Yên Phong, Bắc Ninh)
Nếu như Tủ sách gia đình Văn Bùi và Không gian đọc Hy Vọng là mô hình dựa vào sự tình nguyện, ý chí dấn thân của cá nhân có khát vọng và sự giác ngộ là chính thì mô hình Thư viện làng Cò Đông Xuyên và các Tủ sách dòng họ, gia đình ở xã Đông Xuyên, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh lại là sự kết hợp nhịp nhàng giữa nhiều nhân tố: chính quyền địa phương, các đoàn thể (hội khuyến học, hội phụ nữ, hội cựu giáo chức), các gia đình, cá nhân tiên phong, tích cực.
Thư viện làng Cò Đông Xuyên đặt trong khuôn viên gia đình chị Đào Thị Khanh là kết quả ra đời từ việc đổi mới mô hình khuyến học ở xã Đông Tiến huyện Yên Phon, tỉnh Bắc Ninh do anh Cao Văn Hà, nguyên giám đốc Sở xây dựng tỉnh Bắc Ninh khởi xướng.
Khi nghỉ hưu, trên cơ sở quan sát, nghiên cứu tình hình xã hội và phong trào khuyến đọc trên cả nước cũng như địa phương, anh Cao Văn Hà nhận ra rằng mô hình khuyến học đang tồn tại có nhiều nhược điểm. Mô hình này nặng về hình thức, kết quả mà ít chú trọng tới chiều sâu, nội dung và quá trình. Thông thường mỗi năm một hai lần vào đầu hay cuối năm học mới, các hội khuyến học của xã, huyện, thôn sẽ tổ chức một buổi lễ để trao thưởng cho các em học sinh đạt giải trong các kì thi học sinh giỏi. Khoảng thời gian giữa hai buổi lễ đó, hội khuyến học hầu như không có hoạt động nào cụ thể, hiệu quả để động viên, giúp đỡ các em học sinh. Hơn nữa, mô hình khuyến học này chỉ tập trung vào đối tượng là học sinh, sinh viên còn đang đi học mà bỏ qua đối tượng là người trưởng thành, bỏ qua toàn dân trong khi khắp nơi hô hào khẩu hiệu “xây dựng xã hội học tập”. Thậm chí, ngay trong khi khuyến khích học sinh, sinh viên học tập, các hội khuyến học và các hoạt động khuyến học ở các cấp chỉ mới tập trung vào việc khen thưởng, động viên các học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt, được nhà trường khen thưởng mà bỏ quên đại đa số các học sinh khác.
Chính vì vậy mà khi triển khai mô hình khuyến đọc mới tại xã Đông Tiến[1], anh Cao Văn Hà cùng các lãnh đạo, cán bộ địa phương đã xây dựng và tiến hành đề án đổi mới tập trung vào một số điểm:
- Đưa vào ban lãnh đạo hội khuyến học những người có tâm huyết, năng lực và không chỉ là người đang làm việc trong bộ máy chính quyền của xã hay cán bộ hưu trí. Cụ thể, trong bộ máy lãnh đạo của Hội khuyến học xã Đông Tiến ngoài hiệu trưởng trường tiểu học, phó chủ tịch xã còn có một doanh nhân có các con học hành thành đạt và ham mê công tác xã hội.
- Lập và gây quỹ “ước mơ lớn” (7 tỉ đồng). Quỹ do các các nhân, công ty yêu mến quê hương tự nguyện đóng góp và được vận hành hiệu quả, an toàn, minh bạch, độc lập tương đối với hội khuyến học để kiểm soát lẫn nhau tránh sai sót và nảy sinh tiêu cực, thất thoát.
- Xác định đối tượng khuyến học là toàn thể người dân trong xã bao gồm cả người trưởng thành.
- Khuyến học luôn gắn liền với khuyến đọc và lấy khuyến đọc làm nền tảng.
- Tiến hành các hoạt động khuyến học-khuyến đọc thường xuyên trong 365 ngày, hướng đến đối tượng là toàn dân trong xã. Các hoạt động này do Ban thường thực của Hội khuyến học điều hành với sự giúp đỡ của ban tư vấn và các thành viên tích cực.
Ở mảng khuyến đọc, sau nhiều suy tính và khảo sát, Hội khuyến học xã Đông Tiến và chính quyền địa phương đã quyết định chọn gia đình chị Đào Thị Khanh (làng Đông Xuyên, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) làm địa điểm đặt thư viện. Ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, chân thành của gia đình chị Khanh vì lập thư viện để duy trì và lan tỏa việc học cho các thế hệ sau cũng là di nguyện của chồng chị.
Kết quả là Thư viện làng Cò-Đông Xuyên đã ra đời như là kết quả kết hợp giữa chính quyền địa phương, Hội khuyến học xã Đông Tiến và gia đình chị Đào Thị Khanh.
Lễ khai trương Thư viện làng Cò Đông Xuyên được tổ chức vào ngày 13 tháng 12 năm 2020. Buổi đầu thư viện có 7000 bản sách với đủ thể loại nhưng trong quá trình hoạt động thư viện liên tục tiếp nhận các sách tặng từ các cá nhân và tổ chức nên đến nay thư viện đã có trên 10.000 bản sách phục vụ bạn đọc ở mọi lứa tuổi. Các cán bộ thư viện tỉnh Bắc Ninh đã tình nguyện tới giúp phân loại, dán mã và sắp xếp sách trong thư viện. Thủ thư của thư viện là chị Đào Thị Khanh và các tình nguyện viên khác thay phiên nhau.
Vượt qua những lo ngại kiểu “thư viện lập ra nhưng lấy ai đến đọc”, cho đến nay sau ba năm hoạt động, thư viện đã thu hút được một số lượng lớn bạn đọc ở mọi lứa tuổi không chỉ là các em học sinh. Bạn đọc cũng đến từ nhiều địa phương ngoài xã Đông Xuyên thậm chí ngoài tỉnh Bắc Ninh. Trung bình mỗi ngày hoạt động (thư viện hoạt động vào hai ngày cuối tuần), thư viện đón khoảng 30-60 lượt bạn đọc. Số thẻ thư viện đã cấp xấp xỉ 1000.
Đây là một kết quả rất lớn nếu ta nhìn vào mặt bằng chung trên toàn quốc. Bao nhiêu xã có thể làm khuyến học và khuyến đọc như Đông Tiến? Bao nhiêu xã có được thư viện có quy mô và hoạt động hiệu quả như Thư viện làng Cò Đông Xuyên. Nếu mỗi xã trên toàn quốc đều làm được như Đông Tiến, chắc chắn đất nước sẽ bước sang một trang mới.
Từ những kết quả thu được ở Thư viện làng Cò Đông Xuyên, Hội khuyến học xã Đông Tiến, anh Cao Văn Hà và các cán bộ, người dân có tâm huyết đã tiến thêm một bước khi phát động phong trào xây dựng tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình ở trong xã. Sau vài tháng phát động, cho đến nay đã có hàng trăm tủ sách ra đời và hoạt động có hiệu quả. Những dòng họ lớn trong xã như họ Trương, họ Cao, họ Phạm…đều đã khai trương Tủ sách dòng họ đặt tại nhà thờ và thu hút bạn đọc đến đọc thường xuyên.
Có thể thấy thông qua việc đổi mới mô hình khuyến đọc và kết hợp chặt chẽ giữa khuyến học và khuyến đọc, các hoạt động khuyến đọc ở đây đã thu hút được sự tham gia của đông đảo cán bộ, người dân, học sinh sinh viên ở đủ mọi lứa tuổi, mọi cấp học. Thực tiễn này cho chúng ta thấy không nên quan niệm sai lầm rằng khuyến đọc chỉ nhắm đến đối tượng là người còn đang đi học như học sinh sinh viên. Để có xã hội học tập và biến “học tập suốt đời” thành thực tiễn thì khuyến đọc toàn dân, khuyến đọc liên thế hệ, tạo ra một sự kết nối vững chắc, hiệu quả giữa các tầng lớp người dân ở các độ tuổi khác nhau là điều vô cùng quan trọng.
2. Kinh nghiệm quốc tế về văn hóa đọc áp dụng cho Việt Nam-Trường hợp Nhật Bản
Khi tham gia vào phong trào khuyến đọc ở Việt Nam với tư cách là một diễn giả tôi đã nghiên cứu, khảo sát nhiều mô hình, phong trào khuyến đọc của Nhật Bản.
Trên thế giới, Nhật Bản vốn nổi tiếng là quốc gia có nền công nghiệp xuất bản phát triển và là dân tộc ham đọc sách. Các cuốn sách được xuất bản ở Nhật Bản đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, lan tỏa văn hóa Nhật Bản và tạo ra sức mạnh mềm của quốc gia. Một số con số thống kê sau đây sẽ cho ta biết quy mô và sức mạnh của văn hóa đọc ở Nhật Bản:
Số lượng nhà xuất bản: 3102 (năm 2019)
Số tựa sách mới được xuất bản hàng năm: 7,5 vạn
Số sách mỗi người dân đọc trung bình/năm: 12-13 cuốn (2016)
Số sách trẻ em mượn từ các thư viện: 134.200.000 cuốn (2007), 179. 560.000 cuốn (2010)
Số sách được người Nhật mượn từ thư viện: 630.000.000 cuốn (2007), tính trung bình mỗi người có thẻ thư viện mượn 18.6 cuốn/năm.
Nhật Bản có được các kết quả trên là nhờ vào thực hiện đồng bộ, toàn diện nhiều chính sách vĩ mô và vi mô. Dưới đây xin đưa ra và phân tích sơ bộ một số chính sách, biện pháp, phong trào cơ bản Việt Nam có thể tham khảo, học tập.
2.1. Biên soạn, ban hành và thực thi các bộ luật về văn hóa đọc và “Kế hoạch cơ bản khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em”
Để có thể tiến hành đồng bộ, toàn diện các chính sách, hoạt động khuyến đọc, Nhật Bản đã sớm ban hành nhiều bộ luật quan trọng về văn hóa đọc như: Luật thư viện trường học (ban hành lần đầu năm 1953, sửa đổi lần cuối ngày 24/6/2016), Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em (2001), Luật chấn hưng văn hóa đọc (2005). Các bộ luật này đã xác định rất rõ văn hóa đọc là gì, vai trò, chức năng của chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể dân sự, người dân trong các hoạt động khuyến đọc. Chúng tạo ra hành lang pháp lý để cả nhà nước, đoàn thể và người dân tiến hành các hoạt động khuyến đọc hiệu quả.
Chẳng hạn về nghĩa vụ của nhà nước đối với phát triển văn hóa đọc, Điều 3 Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em quy định:
“Nhà nước có nghĩa vụ ban hành và thực thi tổng hợp các chính sách liên quan đến khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em tuân theo triết lý cơ bản ở điều trên (dưới đây sẽ gọi tắt là triết lý cơ bản)”. Điều 4 Luật chấn hưng văn hóa đọc cũng ghi rõ nghĩa vụ của nhà nước: “Nhà nước tuân theo triết lý cơ bản ở điều luật trước đó, phải có trách nhiệm và nghĩa vụ xây dựng, thực hiện một cách tổng hợp các chính sách liên quan tới chấn hưng văn hóa đọc”. Điều 5 của bộ luật này cũng quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của chính quyền địa phương: “Chính quyền địa phương dựa trên triết lý cơ bản có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến chấn hưng văn hóa đọc dựa trên tình hình thực tế của địa phương đồng thời nỗ lực liên kết với nhà nước”.
Các bộ luật này cũng quy định cụ thể về các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc như quy định “Ngày văn hóa đọc là ngày 27 tháng 12” (Điều 11, Luật chấn hưng văn hóa đọc), “Ngày trẻ em đọc sách là ngày 23 tháng 4” (Điều 10, Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em).
Ngoài các bộ luật, bắt đầu từ năm 2002, chính phủ Nhật Bản còn biên soạn và ban hành “Kế hoạch cơ bản khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em”. Kế hoạch này sẽ được ban hành định kì 4-5 năm một lần. Dựa trên kế hoạch cơ bản của quốc gia, các đô, đạo, phủ, tỉnh, quận-huyện, thôn-làng sẽ phải đề ra và thực thi kế hoạch chi tiết phù hợp với từng địa phương.
Ở Việt Nam hiện tại đã có Luật thư viện (ban hành 2019). Song song với việc thực thi Luật thư viện, nhà nước, quốc hội, các bộ ngành có liên quan cần phải có những chiến lược, kế hoạch dài hạn và ngắn hạn, cụ thể để phát triển văn hóa đọc ở quy mô quốc gia và ở từng địa phương.
2.2. Tiến hành các hoạt động khuyến đọc đa dạng trong nhà trường
Trong chương trình phổ thông, sách giáo khoa và thực tiễn trường học, Nhật Bản rất coi trọng hoạt động khuyến đọc. “Đọc sách” là hoạt động cơ bản được nhấn mạnh ngay từ cấp mầm non với hoạt động giáo viên đọc ehon (sách tranh) cho trẻ nghe được quy định trong chương trình. Từ cấp tiểu học cho tới THPT, hoạt động đọc scash được coi là hoạt động trọng tâm. Giáo viên phải đưa hoạt động này vào cả hoạt động chính khóa khi giảng dạy các môn học và ngoại khóa.
Ở Nhật Bản, thư viện trường học được coi như là “trái tim” của trường học. Một cơ sở giáo dục sẽ không được công nhận là “trường học” khi không có thư viện đúng nghĩa. Điều 3 Luật thư viện trường học ghi rõ “Trường học phải có thư viện”. Thư viện trường học sẽ phải đảm bảo hai chức năng cơ bản. Thứ nhất, thư viện có chức năng như là “trung tâm đọc sách” của giáo viên, học sinh. Thứ hai, thư viện có chức năng là “trung tâm thông tin-học tập” của giáo viên, học sinh. Hoạt động của thư viện trường học được thể hiện ở Điều 4 Luật thư viện trường học:
(1) Sưu tầm tư liệu thư viện, phục vụ việc sử dụng của học sinh và giáo viên
(2) Hợp lý hóa sự phân loại, trưng bày tư liệu thư viện và xây dựng mục lục.
(3) Tiến hành các buổi đọc sách, các hội nghiên cứu, buổi chiếu phim, buổi triển lãm tư liệu
(4) Hướng dẫn học sinh sử dụng tư liệu thưu viện và sử dụng các thư viện trường học khác.
(5) Liên lạc mật thiết và hợp tác với các thư viện trường học, thư viện khác, với bảo tàng, nhà công dân.
(6) Thưu viện trường học có thể được sử dụng phục vụ công chúng nói chung trong giới hạn việc đó không gây trở ngại cho việc đạt được mục đích nói trên.
Ở Việt Nam hiện tại, qua điều tra quan sát thực tiễn khi làm diễn giả về văn hóa đọc ở nhiều địa phương tôi thấy rằng có rất nhiều trường tuy có thư viện, thủ thư nhưng thư viện bị đặt ở nơi học sinh khó tiếp cận, sách trong thư viện nghèo nàn, không hấp dẫn, không phù hợp với học sinh. Mặt khác, các thư viện trường học lại thường chỉ là nơi chứa sách mà không có các hoạt động khuyến đọc hữu ích, hấp dẫn, phù hợp để lôi cuốn học sinh, giáo viên đến mượn và đọc sách. Để khuyến đọc trong nhà trường hiệu quả, thư viện trường học phải đổi mới cả về chiến lược tiếp cận bạn đọc, phương thức phục vụ và tăng cường các đầu sách mới được xuất bản, hấp dẫn với phụ huynh, giáo viên. Thủ thư thư viện cũng cần phối hợp với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm để tổ chức ra các câu lạc bộ đọc sách hoạt động thường xuyên ở trong trường.
Song song với các hoạt động khuyến đọc do giáo viên tiến hành qua các môn học và hoạt động của thư viện, ở Nhật Bản còn có phong trào “Đọc sách buổi sáng” được thực hiện rộng rãi trên toàn quốc. Phong trào này được hai thầy cô dạy ở một trường trung học phổ thông tỉnh Chiba khởi xướng năm 1988 và sau đó nhanh chóng lan ra toàn quốc. Đến nay, số liệu thống kê từ Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản cho biết 96, 4% các trường tiểu học, 88,2% các trường trung học cơ sở, 40,8% các trường THPT thực hiện “đọc sách buổi sáng”. Trong hoạt động này, từ hiệu trưởng, giáo viên tới học sinh sẽ im lặng đọc cuốn sách mình yêu thích trong 10 phút trước khi bắt đầu giờ học mỗi ngày. Các nghiên cứu cho thấy phong trào đã đem lại kết quả tốt, góp phần quan trọng vào việc hình thành nên thói quen đọc sách của học sinh. Ở Việt Nam hiện tại các trường thường thực hiện giờ “truy bài”, nếu thay thế hoạt động có tính hình thức và đối phó này bằng “đọc sách buối sáng” thì có khả năng cao sẽ đạt được hiệu quả tốt. Trên thực tế đã có những trường ở khối ngoài công lập thực hiện hoạt động này trong thời gian dài.
2.3. Khuyến đọc ở cộng đồng
Ở Nhật Bản, từ sau 1945, ý thức công dân trỗi dậy rất mạnh mẽ và người dân đã tích cực tham gia vào các hoạt động kiến thiết, xây dựng xã hội với tinh thần tự chủ cao. Liên quan đến phát triển văn hóa đọc, người dân đã lập ra nhiều tổ chức, đoàn thể khuyến đọc khác nhau để thúc đẩy văn hóa đọc ở các địa phương trên toàn quốc như: Hội phong trào khuyến khích đọc sách (http://www.dokusyo.or.jp/), Hội khuyến khích đọc sách tỉnh Ibaraki (https://www.lib.pref.ibaraki.jp/susumeru/index.html).. Thậm chí riêng thành phố Otsu tỉnh Shiga-nơi tôi từng học đã có tới 23 đoàn thể khuyến đọc có văn phòng và chương trình hoạt động bài bản[2]. Trong số đó có rất nhiều đoàn thể đã hoạt động được 30-40 năm. Các đoàn thể này thường tổ chức các hoạt động khuyến đọc cụ thể dành cho cư dân, trẻ em ở địa phương xuyên suốt năm.
Các thư viện địa phương công lập và thư viện tư nhân cũng tham gia tích cực vào các hoạt động khuyến đọc ở cộng đồng, giúp thay đổi nhận thức và hình thành thói quen đọc sách của người dân. Số lượng sách, tài liệu có trong các thư viện địa phương ở Nhật có quy mô lớn đến kinh ngạc. Ví dụ, theo số liệu thống kê công bố công khai trên website của Thư viện tỉnh Shiga, thư viện này hiện có 1,130, 908 bản sách (chưa kể các tài liệu khác), số thẻ đăng kí 19, 396 (trong đó có 3, 396 thẻ trẻ em), số sách cho mượn năm 2021 là 716, 746 cuốn (người lớn mượn: 415, 492 cuốn, trẻ em mượn: 301, 254 cuốn), số sách được mượn trung bình là 2, 902 cuốn/ngày (ngày cao điểm: 5, 546 cuốn, ngày 23/5/2021). Nếu ta biết rằng dân số của tỉnh Shiga ở thời điểm hiện tại (2023) là 1, 406, 739 người, ta sẽ thấy các con số trên nói lên rất nhiều điều.
Ở Việt Nam rất khó tiếp cận các số liệu tương tự ở các thư viện địa phương nên khó có thể đưa ra so sánh cụ thể nhưng nhìn vào đây ta có thể thấy được sức mạnh và vai trò của các thư viện địa phương. Các thư viện địa phương cần phải đẩy mạnh các hoạt động khuyến đọc phong phú, chủ động đem sách đến cho bạn đọc và thu hút họ đến với thư viện. Hiện tại ở một số địa phương các thư viện địa phương đã tổ chức luân chuyển sách tới cơ sở và có xe lưu động phục vụ thường xuyên. Đây là các hoạt động có hiệu quả thực tế cao, cần tiếp tục phát huy và đưa vào chiều sâu. Ngoài ra cần phải kết hợp với các nhà trường, địa phương để thu hút bạn đọc tới làm thẻ, mượn sách thường xuyên tại thư viện, xây dựng, tổ chức các câu lạc bộ học tập, đọc sách ngay tại thư viện để bạn đọc tham gia sinh hoạt.
Nhật Bản từ những năm 200-2001 đã thực hiện chương trình Book-start du nhập từ Anh để khuyến đọc trên quy mô toàn quốc. Theo đó, nhà nước ủy thác cho tổ chức NPO “Book-Start” của Nhật Bản tiến hành tặng sách cho tất cả những trẻ em ra đời ở Nhật Bản kèm theo hướng dẫn đọc sách dành cho cha mẹ. Con trai tôi khi sinh ra ở Nhật cũng được tổ chức này tặng sách kèm theo tờ rơi dành cho cha mẹ hướng dẫn cách đọc sách cho con nghe, cách làm thẻ và mượn sách từ thư viện thành phố.
Ở Việt Nam trong khi chờ một chính sách vĩ mô để tiến hành tặng sách cho trẻ chào đời trên toàn quốc như một chiến lược quốc gia, các địa phương từ cấp tỉnh cho tới thôn làng, hoàn toàn có thể kết hợp với các tổ chức, đoàn thể, công ty để làm việc này mà không cần tới ngân sách khổng lồ. Cách thức khuyến đọc này rất có hiệu quả trong việc gia tăng cơ hội tiếp cận với văn hóa đọc của trẻ và nâng cao nhận thức của cha mẹ.
Kết luận
Muốn có xã hội học tập thật sự ở đó từng người dân tự giác học tập suốt đời, các hoạt động khuyến đọc trên toàn quốc và từng địa phương phải được gắn kết với hoạt động khuyến học. Bài học thành công từ mô hình khuyến học ở xã Đông Tiến, huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh cũng như bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản đã cho thấy điều đó. Để có thể khuyến học, khuyến đọc thành công, nhà nước cần phải có các bộ luật và chính sách vĩ mô thích hợp để tạo ra hành lang pháp lý cũng như khuyến khích tinh thần chủ động, tích cực của người dân. Các hoạt động khuyến học, khuyến đọc cần được tiến hành theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, cả trong các dịp lễ hội, kỉ niệm lẫn ngày thường-liên tục trong năm. Khuyến đọc phải được tiến hành trong một hệ sinh thái với các nhân tố tích cực tham gia vào quá trình ấy như: chính quyền, nhà trường, đoàn thể, tổ chức, gia đình, các cá nhân tích cực và có tinh thần dấn thân phụng sự xã hội. Trong quá trình tiến hành các hoạt động đó, việc cân nhắc đến sợi dây kết nối, hợp tác giữa các thế hệ khác nhau để lôi cuốn họ vào phong trào khuyến đọc, hoạt động khuyến đọc hướng đến mục tiêu chung có vai trò quan trọng. Các mô hình khuyến đọc đã thành công như Không gian đọc Hy Vọng, Tủ sách gia đình Văn Bùi, Thư viện Làng Cò-Đông Xuyên, các đoàn thể và phong trào khuyến đọc có bề dày truyền thống ở Nhật Bản như “book start”, “đọc sách buổi sáng” là những tham khảo hữu ích cho những người làm chính sách và các nhà hoạt động khuyến đọc ở nước ta. .
Tài liệu tham khảo
1. Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản, Nguyễn Quốc Vương dịch, Sổ tay giáo dục gia đình Nhật Bản, Ehomebooks, 2016
2. Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản, Sổ tay thư viện trường học, Nguyễn Quốc Vương dịch, Ehomebooks (sắp xuất bản).
3. Cao Văn Hà, Học để thay đổi, NXB Phụ nữ Việt Nam, sắp xuất bản.
4. Fujiwara Masahiko, Nguyễn Quốc Vương dịch, Phẩm cách quốc gia, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2021
5. Nguyễn Quốc Vương, Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, NXB Phụ nữ, 2021
6. Nguyễn Quốc Vương, Xây dựng tủ sách gia đình –cùng đọc để sống hạnh phúc và kiến tạo xã hội văn minh, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022
7. Nguyễn Quốc Vương, Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022
[1] Lễ khai trương Mô hình khuyến học mới và Quỹ khuyến học Ước mơ lớn được tiến hành vào ngày 3 tháng 3 năm 2019.
[2] Tham khảo: https://www.city.otsu.lg.jp/material/files/group/59/dokusyokatsudoudantai20230101.pdf (truy cập 14h45 ngày 12/10/2023)