Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường

Nguyễn Quốc Vương 14/02/2024
Tác phẩm và dư luận



Tác giả: Nguyễn Văn Thương (FB Nguyễn Văn Thương)


Tròn 1 tháng trước - Tết Dương, đọc cuốn Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, cuốn sách viết về tư tưởng, văn hóa và con người "xứ sở hoa Anh đào" từ 1965 trở về trước.
Hôm nay đọc cuốn này, chuyện thường ngày ở Nhật đầu thế kỷ 21 - tập sách mỏng gồm 26 câu chuyện, kể, tả và cảm nhận về văn hóa, con người, giáo dục, môi trường, cuộc sống thường nhật của nước Nhật qua góc nhìn của tác giả Nguyễn Quốc Vương.
Qua 2 tác phẩm, thấy người Nhật trước 1965 và người Nhật hiện đại quá nhiều đổi khác. Những gì chúng ta thường nghe về Nhật, nói về Nhật trên cõi mạng giờ như là truyền thuyết, hoặc truyện cổ tích. Và có lẽ không riêng gì nước Nhật, người Nhật; ngay chính chúng ta và cả địa cầu này cũng đang đổi thay quá chóng vánh mỗi ngày.
Ba năm nay, mình cũng có cơ duyên được làm việc với một số kỹ sư, quản lý người Nhật. Cảm nhận rõ rệt nhất của mình khi tương tác với họ qua công việc là nghiêm cẩn và tỉ mỉ, những vấn đề kỹ thuật họ luôn đào sâu đến từng tiểu tiết. Thêm nữa là tính kỷ luật và khiêm tốn. Như lời thuật của tác giả về bài phát biểu của một giáo sư trong ngày anh nhập học:
"Chúng tôi mong các bạn đến đây học cả điều hay và điều dở của nước Nhật. Những điều hay thì các bạn ứng dụng, còn những điều dở thì đừng bao giờ lặp lại."
Về triết lý nhân sinh, theo ghi nhận của tác giả ở bài số 22, đa phần người Nhật hiện đại đang theo đuổi "sống một cuộc đời phong phú thay vì sống một cuộc đời giàu có". Và học sinh ở Nhật có những ước mơ rất "lãng nhách" là muốn trở thành người lái xe bus hoặc tàu điện. Nhưng lại thích xuất bản "Lịch sử của bản thân".
Trên cõi mạng này, không riêng gì người Việt, cả thế giới đều phải trầm trồ thán phục người Nhật trong cách họ ứng phó với thiên tai, địch hoạ. Nhất là văn hóa sẻ chia, đùm bọc, trật tự, hy sinh bản thân để cứu người. Gần nhất là vụ va chạm máy bay, tất cả 379 hành khách và phi hành đoàn thoát nạn thần kỳ nhờ tính trật tự, kỷ luật và sự bình tĩnh ứng phó đến khó tin của tất cả con người trên chuyến bay. Nhất là phi hành đoàn.
"Tại sao người Nhật có thể làm như vậy?" theo tác giả lý giải, có hai lý do chính yếu:
1) Hệ thống xã hội được vận hành một cách dân chủ, khoa học và hợp lý dựa trên luật pháp đã tạo ra niềm tin vào sự hợp lý và công bằng của người dân. Họ luôn tin rằng "rồi sẽ đến lượt mình" và "mình sẽ được đối xử công bằng".
2) Là sự tự giác và trưởng thành của người dân có được nhờ nền tảng xã hội và giáo dục.
"Nền tảng xã hội" và "đẳng cấp" của người Nhật được tác giả nêu bật trong câu chuyện cụ Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ bị người phu xe mắng mỏ khi 2 ông "dám" bonus thêm tiền cho bác phu xe vì thấy ông quá nhiệt tình và tốn thời gian dẫn 2 "nhà cách mạng" đi tìm người quen.
Sau những câu chuyện dài, tác giả buông lời thảng thốt với một loạt câu hỏi: "những câu chuyện về người Nhật làm người Việt ngạc nhiên sẽ còn dài nữa. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, sau khi ta ngạc nhiên, thán phục người Nhật rồi sẽ làm gì?"
"Ở góc độ vĩ mô, có bao nhiêu người sẽ suy ngẫm tới chuyện làm thế nào để kiến tạo nên xã hội ngày một tốt đẹp hơn? Ở góc độ vi mô, sẽ có bao nhiêu người sẵn sàng tách khỏi đám đông để hành động theo những giá trị phổ quát và những thói quen văn minh?"
Trong ngày đầu năm mới, đọc những câu hỏi trên, mình càng thêm tự vấn bản thân. Dù rằng, mình cũng từng suy tư và trăn trở nhiều về điều ấy. Nhưng để hiện thực và tạo thành thói quen quả chẳng dễ dàng gì, nhất là với một kẻ khuyết thiếu nền tảng giáo dục trầm trọng như mình.
Cuối cùng, vì là những câu chuyện nên tập sách này rất dễ đọc với mọi "tầng lớp". Hơn nữa, nội dung sinh động, chân thực, gợi lên cho độc giả nhiều suy tư sâu lắng. Với những bạn du học sinh, hoặc xuất khẩu lao động qua Nhật thì càng thật sự nên đọc.



Bài viết cùng danh mục