Nhật Bản làm thế nào để hạn chế các “sách có hại” cho thanh thiếu niên?
Nguyễn Quốc Vương 04/04/2024
Sáng tác - Dịch thuật
Nhật Bản là nước có ngành xuất bản sớm hoạt động chuyên nghiệp. Nhật Bản cũng có tỉ lệ người đọc sách, báo cao so với mặt bằng trên thế giới. Những tác phẩm của người Nhật cũng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thế giới, có ảnh hưởng lớn tới thế giới tinh thần của nhiều độc giả quốc tế thông qua các bản dịch.
Có nhiều yếu tố giúp Nhật Bản có được thành công này nhưng trước tiên phải kể đến yếu tố môi trường pháp lý giúp cho các tác giả Nhật Bản có điều kiện thuận lợi để nghiên cứu và sáng tác.
Ở Nhật Bản sau khi Hiến pháp 1946 có hiệu lực, kiểm duyệt trở thành hoạt động vi hiến và không được công nhận. Điều 21 của Hiến Pháp 1946 viết “Quyền tự do tụ tập, lập hội, tự do ngôn luận, xuất bản và các quyền tự do biểu hiện khác được đảm bảo. Không được tiến hành kiểm duyệt. Bí mật thông tin là bất khả xâm phạm”.
Tuy nhiên trên thực tế ngành xuất bản ở Nhật đụng phải một vấn đề là sẽ xử lý như thế nào đối với các tác phẩm có nội dung quá khích về tính dục và bạo lực, những tác phẩm có nguy cơ gây hại cho độc giả thanh thiếu niên?
Để đối phó với vấn đề này nước Nhật có “Luật giáo dục và bảo hộ thanh thiếu niên”. Theo quy định của Luật này những ấn phẩm được coi là “sách có hại” sẽ bị cấm bán cho người dưới 20 tuổi, không được bán qua hệ thống máy tự động và bày bán ở các cửa hàng công cộng khác. Danh sách các “sách có hại” này sẽ do tỉnh trưởng hoặc thị trưởng chỉ định dựa trên sự tư vấn của hội đồng chuyên môn. Những sách bị liệt vào danh sách này sẽ bị ràng buộc bởi rất nhiều điều kiện khi bán như khu vực bày bán, quy cách bán, khu biệt đối tượng độc giả…
Trên thực tế ở các cửa hàng tiện lợi hay các cửa hàng sách đặc biệt có góc bày bán các sách báo dành cho “người lớn” ở Nhật, các sách báo “có hại” nói trên sẽ được buộc lại và đặt ở nơi có camera giám sát (thường là góc trong cùng của cửa hàng) kèm biển hiệu ghi rõ “dành cho người lớn”. Những sách, báo này sẽ chỉ được dùng cho mục đích cá nhân, nếu phát tán hay cho người vị thành niên xem sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Đối với các phần mềm trò chơi, băng đĩa, video cũng tương tự. Ở Nhật sẽ có một tổ chức có tư cách pháp nhân độc lập là “Cơ quan kiểm định giải trí máy tính” (CERO) làm nhiệm vụ “đọc” và phân loại, dán nhãn toàn bộ các băng đĩa trò chơi, giải trí. Nhãn của cơ quan này dán trên băng đĩa sẽ thể hiện đối tượng được phép tiếp cận và mức độ cảnh báo về tính dục, bạo lực (Địa chỉ trang web của CERO: cero.gr.jp). Các phụ huynh ở Nhật cũng thường cài các phần mềm giám sát và lọc web trên máy tính và điện thoại của con để ngăn chặn việc truy cập các web có hại.
Trong lịch sử ở Nhật cũng đã từng xảy ra nhiều tranh luận gay gắt về “kiểm duyệt” khi đối chiếu các chế tài trên với hiến pháp và “quyền được được biết”, “quyền tự do thông tin” của trẻ em. Điển hình là vào năm 1989 đã xảy ra vụ kiện quy định bảo vệ thanh thiếu niên của tỉnh Gifu. Tòa án tối cao Nhật Bản đã ra phán quyết cho rằng việc đặt ra quy định giới hạn độ tuổi và phạm vi bán các “sách có hại” là “hợp hiến” khi mục đích của nó là đảm bảo giáo dục nên các thanh thiếu niên lành mạnh.
Một vụ kiện khác cũng rất nổi tiếng là vụ giáo sư Ienaga Zaburo kiện Bộ giáo dục Nhật Bản vì đã đánh trượt cuốn sách lịch sử viết cho học sinh THPT của ông khi đăng kí thẩm định năm 1965. Ông cho rằng việc thẩm định sách giáo khoa như vậy là “vi hiến” vì nó tương đương với kiểm duyệt. Các phiên tòa xung quanh vụ kiện này kéo dài suốt hơn 30 năm. Trong đó đáng chú ý là tháng 7 năm 1970 tòa án địa phương Tokyo tuyên bố giáo sư Ienaga Zaburo thắng kiện. Tuy nhiên, các phán quyết của các phiên tòa sau lại đi ngược lại phán quyết này vì thế sự tranh luận xunh quanh vấn đề này vẫn còn tiếp tục.
Nguyễn Quốc Vương