Nguyễn Quốc Vương
(Bài viết đã đăng trên báo Văn Nghệ số 16 năm 2024)
Trong khoảng 10-15 năm trở lại đây, văn hóa đọc bắt đầu được cả nhà nước và người dân Việt Nam quan tâm trở lại. Thời điểm tháng tư, rất nhiều địa phương, cơ quan, trường học trên cả nước nhộn nhịp tổ chức các hoạt động kỉ niệm “Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam”. Trong tư cách là một diễn giả về văn hóa đọc, tôi được mời đến rất nhiều nơi để nói chuyện với công chúng về văn hóa đọc. Cũng có nhiều người cho rằng những hoạt động này chỉ có ý nghĩa như là một hoạt động phong trào kiểu cả nước chỉ đọc sách mỗi tháng tư. Tuy nhiên, tôi cho rằng ít nhiều các hoạt động hướng tới công chúng như vậy cũng góp phần lay động nhận thức của mọi người về vai trò, ý nghĩa của văn hóa đọc, thúc đẩy mọi người cùng hành động để lan tỏa giá trị của văn hóa đọc hoặc thay đổi thói quen của bản thân. Nó cũng là dịp tốt để những người làm các công việc liên quan đến văn hóa đọc như giáo viên, cán bộ văn hóa, thủ thư, người viết (nhà văn, nhà báo, nhà phê bình…) suy ngẫm thật sâu về văn hóa đọc ở Việt Nam và thế giới trong đời sống hiện đại.
Người Việt còn đọc ít
Kể từ khi có Ngày sách Việt Nam (21/4/2014) tới nay, văn hóa đọc Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trước kia khi chúng tôi-những người làm khuyến đọc đi tặng sách nhiều người còn từ chối không muốn nhận, hoặc dẫu có miễn cưỡng phải nhận cũng không cho chụp ảnh cùng với sách. Cầm cuốn sách trên tay nhiều người, bao gồm cả thầy cô, cán bộ văn hóa cảm thấy…ngượng ngùng. Về quê, tặng sách cho trẻ con, nhiều người phản đối bảo “trẻ con nó có đọc sách đâu mà tặng”. Nhưng giờ đây, ít ra người ta đã vui vẻ hơn khi nhìn thấy sách, nhiều người khác thậm chí háo hức mong chờ được tặng. Như thế là một bước tiến. Số liệu thống kê cũng cho thấy số bản sách in năm 2023 là 450 triệu bản, chia trung bình mỗi người dân cũng được 4, 5 bản/người.
Tuy nhiên, đấy chỉ là tính toán trên lý thuyết. Chúng ta không có một cuộc điều tra về văn hóa đọc trên quy mô toàn quốc bằng phương pháp khoa học nên không thể rõ mỗi người dân đọc bao nhiêu sách/năm. Trên thực tế, có rất nhiều sách được in ra nhưng trong trọn vòng đời của mình không hề được ai ngó ngàng tới. Ra khỏi xưởng in nó ngủ yên trên giá sách trong nhà sách, thư viện, nhà kho cho đến ngày bị bán cho hàng đồng nát chờ…tái chế. Tình trạng thư viện tuy có nhưng không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả rất phổ biến đặc biệt là thư viện công từ cấp quận, huyện trở xuống và thư viện trường học. Chưa kể tới miền núi xa xôi hay nhưng địa phương có kinh tế khó khăn, ngay cả ở các thành phố lớn, nhiều ngôi trường đã thành lập được cả mấy chục năm nhưng không hề có thư viện đúng nghĩa. Tôi đã trực tiếp có mặt ở nhiều ngôi trường phổ thông từ tiểu học cho tới trung học phổ thông và khảo sát tình hình hoạt động của thư viện ở đó. Kết quả cho thấy rất nhiều trường tuy có một phòng được gọi là thư viện nhưng sách vở trong đó vừa ít vừa cũ nát. Sách phù hợp với nhu cầu của học sinh, giáo viên rất ít, đa số sách trong đó là sách phân phối từ trên xuống phục vụ công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, sách giáo khoa, sách bài tập…Những sách học sinh không có nhu cầu đọc. Thủ thư thì có trường có, có trường không. Nhiều trường tuy có thủ thư nhưng họ phải đi làm rất nhiều việc từ tạp vụ cho tới văn thư, kế toán…nên không có mặt ở thư viện thường xuyên. Nhiều học sinh chưa hề tới thư viện bao giờ. Thậm chí, trong một bài giảng dành cho khoảng 20 thủ thư, có một thủ thư còn cho tôi biết trường tuy có thư viện được 2 năm nay nhưng thầy hiệu trưởng và các giáo viên khác chưa hề tới thư viện đọc và mượn sách bao giờ, người giáo viên duy nhất tới thư viện đọc và mượn thường xuyên là một cô giáo dạy Văn!
Chính vì vậy, sẽ rất sốc nếu ta so sách các số liệu thống kê về văn hóa đọc giữa ta với thế giới, chẳng hạn như Nhật Bản, một nước “đồng chủng đồng văn”. Các thư viện cấp tỉnh, thành phố ở Việt Nam có khoảng 10-20 vạn bản sách trong khi ở Nhật Bản, một thư viện cùng cấp sẽ có khoảng từ 1-2 triệu bản sách. Số lượt bạn đọc của một thư viện cấp tỉnh ở nước ta cũng thấp. Tôi vừa dự một lễ kỉ niệm 60 năm thành lập của một thư viện cấp tỉnh được xếp vào danh sách các thư viện hoạt động tốt, ở đó trong diễn văn kỉ niệm giám đốc thư viện cho biết một năm thư viện phục vụ khoảng 4 vạn lượt bạn đọc. Trong khi đó thư viện tỉnh Shiga, địa phương có trường Đại học Shiga (Nhật Bản) nơi tôi học trước kia có tới 1,518,785 bản sách (tương đương số bản sách của thư viện quốc gia Việt Nam), một năm phục vụ 210.102 lượt bạn đọc với số bản sách cho mượn là 716.746 (số liệu thống kê năm 2021). Đáng chú ý là số lượng nhân viên của thư viện này cũng chỉ là 29 người-tức là chỉ tương đương hoặc nhiều hơn quy mô một thư viện cấp tỉnh ở Việt Nam chút ít.
Ngay cả giới viết lách cũng cần đọc nhiều hơn
Không chỉ là đại chúng, giáo viên, cán bộ cũng lười đọc sách. Thậm chí thực tế cho thấy dường như cả giới viết lách của chúng ta cũng…chưa chăm đọc. Dùng Google kiểm tra tôi thấy trên báo chí, mạng xã hội cũng đã có nhiều bài viết của chính các nhà văn, nhà thơ đề cập đến tình trạng này. Họ kêu chính người viết, người sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa đọc cũng…lười đọc. Không chỉ là lười đọc các tác phẩm của thế giới mà lười đọc cả các tác phẩm của bạn bè, đồng nghiệp.
Dù đã tìm kiếm ở nhiều nơi tôi cũng không tìm được dữ liệu thống kê nào phản ánh khái quát tình hình đọc sách của những người làm nghề sáng tạo như nhà văn, nhà thơ ở nước ta. Tầm quan hệ của tôi cũng rất hẹp nên không thể đưa một nhận xét có tính bao trùm. Tuy nhiên, tôi cũng có thể mạnh dạn suy luận được tình hình đọc nói chung của văn giới khi nhìn vào “đầu ra” tức là các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ. Chưa tính tới số lượng bản sách được bán ra và tầm ảnh hưởng, số lượng đầu sách được xuất bản của nhà văn, nhà thơ ở Việt Nam cũng…nhỏ nếu so sánh với thế giới. Không tin bạn thử tìm kiếm, thống kê và xem thử có bao nhiêu nhà văn Việt Nam có số lượng tác phẩm được xuất bản là trên 100 cuốn sách? Những nhà văn viết và công bố được trên 100 cuốn sách như nhà văn Tô Hoài, nhà văn Lê Văn Trương ở nước ta là rất hiếm? Những nhà văn còn sống, công bố tác phẩm đều đặn lại càng hiếm. Ra sách đều đặn như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có lẽ cũng có mấy ai ở hiện tại. Ở Việt Nam hiện nay, ai là nhà văn viết tiểu thuyết cứ đều đặn 2-3 năm lại cho in một cuốn tiểu thuyết từ 200-500 trang? Tôi nghĩ gần như là…không có.
Những năm gần đây, khi hình thức tự xuất bản, liên kết xuất bản phát triển, nhiều nhà văn, nhà thơ có thể tự xuất bản tác phẩm của mình. Thực tế này làm cho người ta có cảm giác như giới nhà văn, nhà thơ ở ta giờ công bố rất nhiều. Nhưng sự thực không phải vậy. Tôi có thói quen mỗi khi cầm cuốn sách nào cũng lật xem phần tiểu sử của tác giả rồi lên mạng tìm kiếm xem tác giả đó đã công bố bao nhiêu tác phẩm. Kết quả của việc tìm kiếm đó cho thấy ngay cả những tác giả có điều kiện tự xuất bản, số lượng tác phẩm công bố cũng rất hạn chế và cũng rất…mỏng.
Trong khi đó, ta thử nhìn sang Nhật Bản xem sao. Những con số tôi dẫn ra sau đây chắc chắn sẽ làm cho các bạn kinh ngạc. Nhà văn Mori Hiroshi (sinh năm 1957) là một tiến sĩ-giảng viên đại học chuyên ngành bê tông, 38 tuổi mới cầm bút viết văn nhân…một ngày rảnh rỗi. Tuy nhiên cho đến nay ông đã xuất bản khoảng 200 cuốn sách chủ yếu là tiểu thuyết trong đó có nhiều cuốn là “sách bạn chạy”, có cuốn bán được trên triệu bản. Nhà văn Nishimura Keitaro (1935-1922) viết và xuất bản 249 cuốn tiểu thuyết trinh thám. Nhà văn ăn khách, nhiều lần được đề cử giải Nobel Murakami Haruki cứ đều đặn 2-3 năm lại công bố một cuốn tiểu thuyết ăn khách, được dịch ra nhiều thứ tiếng… Điều đáng nói là những nhà văn công bố trên 100 cuốn sách ở Nhật không phải là hiếm.
Có nhiều yếu tố giúp cho nhà văn Nhật có thể viết khỏe, viết nhiều, xuất bản liên tục như truyền thống đọc-viết của dân tộc, môi trường xuất bản rộng rãi, số lượng bạn đọc lớn …Tuy nhiên, trong đó không thể không kể đến một yếu tố trực tiếp là…việc đọc sách của người sáng tác.
Các nhà văn Nhật Bản có ý thức chuyên nghiệp cao và đọc rất nhiều. Để viết được 200 cuốn sách, nhà văn Mori Hiroshi sau khi từ bỏ nghề dạy học đã mở cả văn phòng, thuê 2-3 thư kí chỉ để họ cùng đọc sách, thảo luận, thúc đẩy ông có kỉ luật trong việc viết. Nhà văn Murakami Haruki để viết được nhiều, hay, xuất bản với số lượng lớn, được dịch ra nhiều ngôn ngữ đã luyện tập chạy bộ thường xuyên và đạt trình độ rất cao gần như là vận động viên chuyên nghiệp. Những việc ông làm thường xuyên để phục vụ nghề viết-những thứ được ông mô tả cặn kẽ cả trong các tác phẩm hư cấu có nhân vật “tôi” và tự truyện là: chạy bộ, nghe nhạc Jazz và đọc sách. Trong các tác phẩm như “Thu nhập của nhà văn” của Mori Hiroshi hay “Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới” của giáo sư Saito Takashi, các tác giả đều cho rằng giới viết văn ở Nhật đọc liên tục và đọc rất nhiều, có những nhà văn một năm đọc tầm 300-500 cuốn sách.
Đọc có ích cho người làm nghề viết như thế nào?
Đọc là đầu vào, viết và nói là đầu ra. Ta tưởng tượng nếu như trí tuệ, tâm hồn, nền tảng văn hóa của người viết là một hồ nước thì “đọc” là con suối đổ nước vào và “viết” là con suối chảy ra. Nếu không có nước nhiều nguồn đổ vào, điều đương nhiên là con suối chảy ra sẽ không thể mạnh, trong và liên tục. Đọc phải trở thành lao động chuyên nghiệp và là sinh kế của nhà văn. Đối với nhà văn hay rộng hơn là người viết, đọc vô cùng quan trọng vì nhiều lẽ.
Thứ nhất, việc đọc giúp cho người sáng tác có hiểu biết rộng lớn, nền tảng văn hóa sâu rộng, nói nôm na là trở thành người uyên bác. Nền tảng văn hóa rộng lớn giúp nhà văn có “bột” để “gột” nên hồ, tức là tạo ra các tác phẩm lớn, có giá trị lớn, độc đáo.
Thứ hai, việc đọc giúp cho người sáng tác được kích thích thường xuyên, từ đó mà tìm kiếm được ý tưởng, mở rộng thế giới tưởng tượng, nuôi dưỡng được động lực sáng tác một cách chuyên nghiệp, không viết theo kiểu ngẫu hứng, cầu may.
Thứ ba, đọc sách giúp người viết biết được tương đối về lịch sử văn học, các trào lưu văn học chủ đạo ở trong nước và thế giới, các tác giả tiêu biểu, các trường phái nổi bật, từ đó có thể đóng vai trò tiên phong trong việc tạo ra những giá trị mới, tư tưởng mới, phong cách mới, trường phái mới, tránh lặp lại những gì người đi trước đã đạt được và đạt đến đỉnh cao.
Thứ tư, việc đọc sách thường xuyên là một cách mài sắc tư duy, nhận thức của người viết. Không ở đâu thế giới tư tưởng phong phú như là ở trong các cuốn sách. Từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, vô vàn phong cách, hàng trăm ngàn trường phái với các tác giả đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, các tác phẩm được viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau… Tất cả những điều đó sẽ tác động mạnh đến người đọc là nhà văn, làm cho nhà văn phải suy ngẫm, thường xuyên, liên tục, đa chiều. Kết quả là tư duy của họ được mài sắc tối đa, nhận thức xã hội của họ được nâng tầm, vượt trội hơn hẳn đại chúng và trở thành người dẫn dắt. Xem xét ở khía cạnh này, ta sẽ thấy thật dễ hiểu khi công chúng quay lưng với tác giả, với tác phẩm khi họ nhận ra tác giả và tác phẩm có tư duy, nhận thức xã hội non kém, đơn điệu hoặc thấp hơn nhận thức phổ quát chung trong xã hội của công chúng.
Nói tóm lại, muốn nâng tầm văn hóa đọc của dân tộc, giới cầm bút bao gồm nhà văn, nhà thơ phải trở thành những người tiên phong. Để làm được việc đó đương nhiên họ phải trở thành những người đọc chuyên nghiệp nhất, thậm chí điên cuồng nhất. Việc viết văn thuần túy dựa vào trải nghiệm thực tiễn và năng khiếu sẽ sớm làm cho nhà văn đi vào ngõ cụt vì “cạn vốn”. Ở Việt Nam ta rất hiếm những “mọt sách” chính hiệu, tức là những người dành gần như toàn bộ thời gian quan trọng nhất trong đời người cho việc đọc sách và các hoạt động xoay quanh việc đọc đó. Đấy là điều rất đáng tiếc. Để có số lượng tác phẩm lớn, trong đó có nhiều tác phẩm hay, xuất sắc, chính bản thân người cầm bút phải đọc nhiều hơn, bao gồm cả đọc sách bằng tiếng Việt và đọc các sách viết bằng ngôn ngữ khác.