LUẬT CHẤN HƯNG VĂN HÓA ĐỌC (NHẬT BẢN)

Nguyễn Quốc Vương 28/08/2023
Tài liệu-thông tin khuyến đọc

LUẬT CHẤN HƯNG VĂN HÓA ĐỌC

 

Nguyễn Quốc Vương dịch từ tiếng Nhật. 

(Bộ luật số 91 ngày 27 tháng 7 năm 2005)

(Mục đích)


Điều 1.

Bộ luật này có mục đích xác định triết lý cơ bản về chấn hưng ăn hóa đọc trên cơ sở tư duy rằng văn hóa đọc là thứ không thể thiếu trong việc kế thừa và nâng cao tri thức, trí tuệ được tích lũy trong lịch sử lâu dài của nhân loại và giáo dục tính người phong phú cũng như phát triển chủ nghĩa dân chủ lành mạnh; làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà nước và chính quyền địa phương đồng thời nỗ lực xúc tiến một cách tổng hợp các chính sách chấn hưng văn hóa đọc ở nước ta, cống hiến cho việc thực hiện đời sống quốc dân có trí tuệ, tâm hồn phong phú hơn và xã hội đầy sức sống thông qua việc xác định các nội dung cần thiết liên quan tới chấn hưng văn hóa đọc.

(Định nghĩa)

Điều 2. “Văn hóa đọc” trong bộ luật này là chỉ hoạt động tinh thần được diễn ra với trung tâm là việc đọc, viết những gì được thể hiện bằng chữ viết (ở các điều dưới đây gọi là văn bản) và các hoạt động xuất bản, các hoạt động khác như cung cấp văn bản cho con người cũng như các xuất bản phẩm và các kết quả của hoạt động này.

(Triết lý cơ bản)

Điều 3.

1. Việc xúc tiến thực hiện chính sách chấn hưng văn hóa đọc phải được tiến hành nhằm tạo ra môi trường ở đó tính tự chủ của tất cả quốc dân được tôn trọng đồng thời quốc dân có thể thụ hưởng lợi ích của văn hóa đọc phong phú một cách bình đẳng trong suốt cuộc đời ở những nơi khác nhau như địa phương, trường học, gia đình và các nơi khác bất chấp các yếu tố như khu vực cư trú, điều kiện bản thân hay các yếu tố khác.

2. Khi chấn hưng văn hóa đọc, cần phải chú ý đầy đủ rằng quốc ngữ là nền tảng của văn hóa Nhật Bản.
3. Trong giáo dục trường học phải chú ý đầy đủ tới việc giáo dục năng lực ngôn ngữ với các năng lực cơ bản như năng lực đọc, năng lực viết (từ dưới đây gọi là năng lực ngôn ngữ) thông qua toàn thể khóa trình giáo dục nhằm làm cho tất cả quốc dân có thể thụ hưởng lợi ích của văn hóa đọc.

(Trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà nước)


Điều 4.Nhà nước, tuân theo triết lý cơ bản ở điều luật trước đó, phải có trách nhiệm và nghĩa vụ xây dựng, thực hiện một cách tổng hợp các chính sách liên quan tới chấn hưng văn hóa đọc.

(Trách nhiệm và nghĩa vụ của chính quyền địa phương)

Điều 5.

Chính quyền địa phương dựa trên triết lý cơ bản có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến chấn hưng văn hóa đọc dựa trên tình hình thực tế của địa phương đồng thời nỗ lực liên kết với nhà nước.

(Tăng cường liên kết với các cơ quan có liên quan)

Điều 6.

Nhà nước và chính quyền địa phương phải nỗ lực tạo ra thể chế cần thiết để tăng cường liên kết với các thư viện, cơ quan giáo dục và các cơ quan khác cũng như các đoàn thể dân sự để việc thực thi chính sách chấn hưng văn hóa đọc được diễn ra suôn sẻ.

(Chấn hưng văn hóa đọc ở địa phương)

Điều 7.

1. Các thành phố, thôn làng phải nỗ lực xây dựng và bố trí thích hợp các thư viện công và tư với số lượng cần thiết nhằm đáp ứng phù hợp nhu cầu của người dân địa phương đối với thư viện.
2. Nhà nước và chính quyền địa phương phải thực hiện các chính sách cần thiết nhằm xây dựng thể chế nhân sự như đảm bảo đủ thủ thư, làm phong phú tư liệu trong thư viện, xây dựng các điều kiện vật chất để xúc tiến thông tin hóa, cải thiện và nâng cao sự vận hành của các thư viện công và tư nhằm đảm bảo cho các thư viện công lập có thể cung cấp sự phục vụ thích hợp cho người dân địa phương.

3. Nhà nước và chính quyền địa phương phải nỗ lực thực hiện các chính sách cần thiết để các trường đại học và các cơ quan giáo dục khác mở cửa thư viện của mình cho người dân bình thường, mở các khóa giảng bài công khai về văn hóa đọc và xúc tiến các hoạt động cống hiến cho chấn hưng văn hóa đọc ở địa phương.

4. Ngoài những gì được quy định ở khoản 3 nói trên, nhà nước và chính quyền địa phương phải thực hiện các chính sách cần thiết để trợ giúp các đoàn thể dân sự tiến hành các hoạt động có ích cho chấn hưng văn hóa đọc nhằm nỗ lực chấn hưng văn hóa đọc ở địa phương.

Giáo dục năng lực ngôn ngữ trong giáo dục trường học

Điều 8.

1. Nhà nước và chính quyền địa phương phải thực hiện các chính sách cần thiết nhằm phổ cập phương pháp hiệu quả và cải thiện các phương pháp giáo dục nhằm giáo dục đầy đủ năng lực ngôn ngữ trong giáo dục trường học đồng thời thực hiện các chính sách cần thiết nhằm đào tạo giáo viên, làm phong phú nội dung bồi dưỡng và nâng cao chất lượng giáo viên.
2. Nhà nước và chính quyền địa phương cần phải thực hiện các chính sách cần thiết liên quan để chuẩn bị thể chế nhân sự đảm bảo đủ thủ thư hoặc giáo viên đảm nhận nghiệp vụ thư viện, làm phong phú tư liệu thư viện và xây dựng các điều kiện vật chất cho xúc tiến thông tin hóa nhằm xây dựng môi trường thuận lợi cho giáo dục năng lực ngôn ngữ trong giáo dục nhà trường.

(Giao lưu quốc tế về văn hóa đọc)

Điều 9.

Nhà nước phải đảm bảo cho quốc dân được cung cấp văn hóa đọc phong phú từ nhiều nước ở phạm vi nhiều nhất có thể đồng thời phải thực hiện các chính sách cần thiết để xúc tiến giao lưu quốc tế về văn hóa đọc và trợ giúp việc dịch các xuất bản phẩm tiếng Nhật ra tiếng nước ngoài, trợ giúp dịch các xuất bản phẩm của nước ngoài có nền văn hóa chưa được biết đến rộng rãi ở nước ta sang tiếng Nhật.

(Phổ cập các xuất bản phẩm học thuật)


Điều 10.

Nhà nước trên cơ sở nhận thức được việc phổ cập các xuất bản phẩm học thuật thường gặp khó khăn cần phải có sự trợ giúp và các chính sách cần thiết khác để xuất bản thành tựu nghiên cứu học thuật.

(Ngày văn hóa đọc)

Điều 11.

1. Đặt ra ngày văn hóa đọc nhằm nâng cao mối quan tâm và sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa đọc trong đông đảo quốc dân.

2.Ngày văn hóa đọc là ngày 27 tháng 12.

3. Nhà nước và chính quyền địa phương phải nỗ lực sao cho các hoạt động thích hợp được diễn ra trong ngày văn hóa đọc.

(Các biện pháp ở phương diện tài chính)


Điều 12.

Nhà nước và chính quyền địa phương phải nỗ lực thực hiện các biện pháp tài chính và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện các chính sách chấn hưng văn hóa đọc.
Phụ lục

Bộ luật này có hiệu lực thực thi kể từ ngày công bố.

 

Bài viết cùng danh mục