Lễ Vu Lan ở Nhật Bản

Nguyễn Quốc Vương 02/04/2024
Sáng tác - Dịch thuật


 

Bàn thờ nghênh đón linh hồn tổ tiên

Ở nước Nhật hiện đại, khoảng thời gian từ ngày 13 đến 16 tháng 8 dương lịch được gọi là kỳ nghỉ Obon. Đây là quãng thời gian người Nhật dành cho việc thờ cúng tổ tiên. Các công sở, trường học, công ty đều cho nhân viên nghỉ.

Ban đầu Obon ở nước Nhật được định vào ngày 15.7 nhưng do khi đó thời tiết thường có mưa, mọi nghi lễ trở nên bất tiện nên người Nhật đã lùi thời gian lại một tháng. Ngày 15.8 được coi là ngày trung tâm của các nghi lễ.

Chính thức thì Obon được gọi là “Urabone” hay “Shoryoue” (tinh linh hội). Tinh linh là chỉ linh hồn của tổ tiên, Urabone (Vu lan bồn) là tiếng Phạn có ý nghĩa là “cứu khổ”.

Vào ngày 13 tháng 8 khi lễ Obon bắt đầu người Nhật sẽ lập các bàn cúng tạm thời trước cửa nhà hay cửa chùa để nghênh đón linh hồn tổ tiên tránh linh hồn đi lạc. Các bài vị ở bàn thờ Phật trong nhà được đem ra đặt ở đây.

Trên các bàn cúng này, người Nhật bày hoa quả, rau tùy theo gia cảnh. Mỗi ngày người Nhật sẽ cúng cơm và nước 3 lần vào buổi sáng, trưa, tối.

Ngoài ra người Nhật còn tạo hình trang trí ngựa làm từ dưa chuột và bò làm từ cà ghém. Điều này có ý nghĩa người Nhật quan niệm linh hồn của tổ tiên sẽ trở về thế giới này bằng ngựa và trở lại thế giới bên kia bằng bò.

Thả đèn lồng

Thả đèn lồng trong tiếng Nhật được gọi là “Toronagashi”. Nghi lễ này diễn vào ngày 16 tháng 8 ở khắp các địa phương trên toàn nước Nhật. Việc thả đèn lồng có ý nghĩa như là dâng lên ngọn lửa để đưa tiễn linh hồn của tổ tiên về lại thế giới bên kia.


Xét về nguồn gốc, “Toronagashi” là một lại “Shoryonagashi” . Đây là nghi lễ soi sáng đường về của linh hồn tổ tiên bằng lửa thường được tiến hành trước cửa chùa hoặc nhà. Người Nhật khi đó sẽ thả các bàn thờ có hoa quả, rau xuống sông, biển. Nghi lễ ấy gọi là “Shoryonagashi”.
Việc thả đèn lồng xuống sông, biển được gọi là “Toronagashi”. Người Nhật tin rằng linh hồn tổ tiên sẽ cưỡi lên những ngọn đèn đó ra sông, biển và trở về thế giới bên kia.
Những năm gần đây, để tránh gây ô nhiễm sông, biển, người Nhật không thả cho đèn lồng trôi đi mà sẽ thu hồi khi trôi đến một phạm vi nhất định. Có những nơi người ta kết hợp thả đèn lồng với bắn pháo hoa cùng lễ hội mùa hè.

Điệu nhảy Obon (Bon-odori)

Vào kỳ lễ Obon người ta sẽ thấy điệu nhảy Obon trên khắp nước Nhật. Ban đầu việc nhảy múa này có ý nghĩa như là sự dâng cúng khi các linh hồn trở lại thế giới phàm trần. Người ta cho rằng điệu nhảy Obon được tạo thành từ sự kết hợp giữa điệu nhảy niệm Phật và lễ Vu lan mà người tạo ra sự kết hợp này là sư tổ của phái Thời Tông thời kỳ Kamakura là Ippen Shonin. Dần dần nó biến đổi thành điệu nhảy với trang phục sặc sỡ trong tiếng sáo, trống… Đến thời Edo, nó phát triển thành sự kiện mang tính giải trí hơn là nghi lễ tôn giáo.


Trong điệu nhảy Obon sẽ có “nhảy theo hàng”, tức là vừa đi bộ xếp thành hàng vừa nhảy và “nhảy vòng tròn”-người tham dự nhảy xung quanh một cái chòi được dựng lên. Người Nhật từ xa xưa tin rằng vòng nhảy ấy là bao quanh chỗ các vị thần, phật giáng xuống.
Trong nước Nhật hiện đại ngày nay vào kỳ nghỉ Obon người ta có thể thấy điệu nhảy Obon ở khắp nơi nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến điệu nhảy “Awaodori” của tỉnh Tokushima hay “Gujo Odori” của tỉnh Gifu, “Nishimonai Odori” của tỉnh Akita.

Nguyễn Quốc Vương tổng hợp từ tài liệu tiếng Nhật


Bài viết cùng danh mục
Nguyễn Quốc Vương 19/09/2023
Thương nhớ hoa sim
Nguyễn Quốc Vương 22/09/2023
Xác Ướp
Nguyễn Quốc Vương 11/10/2023
Lễ Hội Kéo Co ở Nhật Bản
Nguyễn Quốc Vương 20/11/2023
Quan hệ triều cống Trung-Xiêm (IV)
Nguyễn Quốc Vương 04/11/2023
Hoa anh đào và cái đẹp mong manh.