HỌC SINH THPT CẢM NHẬN "MÙI CỦA CỐ HƯƠNG"

Nguyễn Quốc Vương 29/08/2024
Tác phẩm và dư luận

          Tác giả: TTAN-học sinh lớp 11 khóa 61 THPT Tân Yên 1, Bắc Giang. 

  

Năm tháng trôi đi, con người có thể sống được bảy mươi năm, tám mươi năm hoặc lâu hơn nữa. Trong dòng thời gian tưởng chừng dài đằng đẵng ấy, chúng ta đã tìm thấy bao đắng cay ngọt bùi, bao khắc khoài đớn đau; cảm nhận được những thăng trầm của đời sống biến động. Cuối cùng nhìn lại, ta chỉ thấy mọi thứ trôi đi sao nhanh quá, thảng thốt nhận ra rằng bản thân đã khôn lớn trưởng thành theo sự biến đổi của vạn vật. Đến khi ấy, mỗi con người mới lại ngậm ngùi lật dở lại những thước phim kí ức đã bám bụi từ lâu, nghèn nghẹn ngắm nhìn cố hương trong sự mơ hồ không rõ vì quãng thời gian đã trôi quá xa, tiếc nuối một thời vô tư hồn nhiên của trẻ dại. Cũng mang theo tâm trạng của một kẻ lữ hành tha hương xa xứ, thấu hiểu những nhớ thương với quê nhà của những người con xa quê, tác giả Nguyễn Quốc Vương đã vẽ lại tuổi thơ của ông cùng làng quê gắn bó máu thịt qua tác phẩm “ Mùi của cố hương”. Đồng thời, ông cũng đã khắc họa lại dấu ấn kí ức của biết bao người yêu quê, nhớ quê, xa quê.

                                         

              Những dòng tản văn trong tác phẩm ra đời cũng thật tự nhiên chẳng hề báo trước. Bởi chúng đột ngột hiện hữu giống như là sự bung tỏa mãnh liệt của nỗi nhớ quê đã dồn nén bao lâu nay trong lòng một đứa con sống xa nhà lâu ngày. “ Mùi của cố hương” ban đầu đơn giản chỉ là những dòng tâm sự, những lời bộc bạch mà anh chàng “ bán sách rong” ấy gửi gắm trên mạng xã hội dần dần nhận được sự quan tâm của mọi người. Cuối cùng, tác giả Nguyễn Quốc Vương nhận được lời mời xuất bản thành sách của Nhà xuất bản Phụ nữ và được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2017. Tác phẩm đã nhận được nhiều sự yêu thích của các độc giả.

                           

 Cuốn tản văn “ Mùi của cố hương”  giống như một tác phẩm trữ tình văn xuôi, lấp lánh những xúc cảm đong đầy triền miên . Nó cuốn người đọc về miền kí ức của tác giả hay nói đúng hơn là về miền xa xôi năm nào trong tiềm thức của biết bao nhiêu người sống tha hương. Người cầm bút Nguyễn Quốc Vương từng chia sẻ trong tác phẩm của mình rằng: “Khi bắt đầu nếm trải cuộc sống tha hương, có hai thứ mùi khiến tôi nhớ nhà da diết: Mùi khói bếp và mùi hành”. Đó có lẽ là một phần “ mùi của cố hương” trong trái tim và trí óc của ông. Hương hành tỏi hăng hăng trong ngày mùa vụ hòa lẫn với mùi khói bếp đặc trưng nơi miền quê đã in ấn vào trong trí nhớ của người con làng Sấu xã Liên Chung huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang ấy. Đó không chỉ là dấu ấn của riêng mình tác giả mà còn là hương vị khắc cốt ghi tâm không thể nào quên của mỗi người con nơi mảnh đất “ địa linh nhân kiệt”, nơi dòng sông Thương dịu dàng chảy qua. Hiếm có ai có thể miêu tả về mùi hương đặc trưng của làng quê mình một cách mộc mạc, đằm thắm và giàu cảm xúc như thế.  Vị nghệ sĩ ấy có lẽ đã phải mang hết cái tình ý trong trái tim luôn cuộn trào sục sôi ngọn lửa của nỗi nhớ thì mới có thể đưa tâm hồn trở lại với mùi hương quê thân thuộc năm nào, mới có thể để cho người đọc cảm nhận được hồn quê chân chất quyện cùng bao vất vả nhọc nhằn lam lũ của người nông dân .Mùi khói bếp và mùi hành tỏi là mùi hương gắn với biết bao cảm xúc của người dân Liên Chung bấy giờ. Ấy là sự vui vẻ rộn ràng vì hành bán được giá, là nỗi buồn vướng vất vì được mùa mất giá. Vòng luẩn quẩn ấy mang đến bao bấp bênh cho người làm nông, cũng mang đến cái nghèo đói  bao đời chẳng thoát được. Hồi ức đẹp đẽ về tuổi thơ mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm như một bức tranh chân phương, mộc mạc được người họa sĩ tài ba chăm chút từng nét vẽ.

             

Đó là những lần đi xin gạo, cùng mẹ đi chợ; những hàng cây hoa gạo nở đỏ rực ven bờ sông Thương hiền hòa, những chú đom đóm phát ra thứ ánh sáng lập lòe, dung dị trong đêm hè... Đó còn là hình ảnh cây bưởi trong sân, là con đường quê đất đỏ và hơn hết là những con người thuần hậu, chất phác.

 Mỗi một câu chuyện, mỗi một hình ảnh thân thương về tuổi thơ của tác giả giống như những mảnh ghép từng chút gắn kết lại khung cảnh của thời gian đã qua. Đó không chỉ là khung cảnh hồi ức của một mình người cầm bút Nguyễn Quốc Vương mà còn là kí ức của biết bao nhiêu người đặc biệt là những đứa con sống tha hương. Từng câu từ trong tác phẩm  khiến ta bất giác nhớ về bản thân trong quá khứ, nhớ về cái đói nghèo đeo bám dai dẳng, mơ hồ tưởng đến những khoảnh khắc vui vẻ, ngọt ngào, vô lo vô nghĩ mà mình từng trải qua.

                  Gấp lại những trang sách cuối cùng, cảm xúc trong trái tim tôi giống như bị xáo trộn lẫn lộn chẳng thể phân biệt nổi. Bạn biết không? Quê hương của tác giả cũng là mảnh đất đã đón chào tôi cất tiếng khóc đầu đời, nhìn thấy từng bước tập đi lững chững đến khi tôi  trở thành một cô bé như hiện tại. Hương hành tỏi, mùi khói bếp mà tác giả nhung nhớ chính là mùi vị mà tôi luôn cảm nhận được mỗi khi vụ mùa đến. Nhưng phải chăng tại tôi chưa từng đi xa, chưa từng đi rất xa nên những mùi hương ấy trở nên quá đỗi bình thường? Nó bình thường đến mức nhiều khi tôi không hề để ý đến! Hay nói cách khác, có lẽ là do nỗi nhớ quê của tác giả quá mãnh liệt nên tất cả những gì thuộc về quê hương đều khiến ông thèm muốn, tất cả những giác quan đều trở nên nhạy bén để lục lọi lại những hương vị của kí ức. Con người ta thật kì lạ! Có những thứ mất đi rồi mới nhung nhớ, tiếc thương. Tuổi trẻ thì muốn bay cao, bay xa, muốn phiêu lưu đến tận cùng của thế giới để thỏa mãn niềm mong ước khôn cùng. Thế nhưng, sau tất cả, những hình ảnh nơi xứ người mà ta từng khát khao mơ mộng ấy lại trở nên mờ nhòa hơn bao giờ hết, nhường chỗ cho những kí ức và hương vị của quê cũ. Lật dở từng trang sách của cuốn “ Mùi của cố hương”, tôi thảng thốt nhận ra rằng, cuộc đời con người dù đi xa đến đâu cũng không thể nào quên nhớ về cội nguồn dù cho nơi đó nghèo nàn, đói rách, lam lũ. Tôi cũng hiểu rằng, chính mình phải trân trọng từng giây phút trong hiện tại, quý trọng những khoảnh khắc bên gia đinh, bên bạn bè, quê hương. Chúng ta phải học cách yêu, cách nâng niu những giá trị bền vững. Mỗi một ngày, bạn hãy nhìn ra ngoài cửa sổ, hãy đi dạo quanh làng, bạn sẽ thấy quê mình thật đẹp, sẽ nhận ra rằng dù khoác lên mình bộ áo quê kệch hay hào nhoáng thì quê hương vẫn sẽ mang một phong vị riêng trở thành nỗi khắc ghi in ấn mà sau này dù đi đâu về đâu ta cũng đều nghĩ đến. Nỗi nhớ không nguôi về quê hương, về hương vị của cố hương là một phần của tình yêu cao quý - tình yêu quê hương, đất nước. Thế nên, ông Nguyễn Quốc Vương mới nhớ quê đến da diết cháy bỏng cồn cào, nhớ đến mức có thể cảm nhận được hương vị của quê cũ trong kí ức mờ nhòa. Chỉ khi đi xa con người ta mới nhận ra tình yêu của mình với quê hóa ra lại nồng cháy đến như thế, lại nóng bỏng cuộn trào đến như thế.

                        

           

                     Cuốn sách “ Mùi của cố hương”  giống như cỗ máy thời gian của Doraemon vậy! Nó đã đưa tôi ngược dòng thời gian để nhìn quê mình trong quá khứ. Hình ảnh Liên Chung ấy dường như chỉ gói gọn trong khung cảnh của làng Sấu - ngôi làng thân thương của tác giả nhưng tôi có thể cảm nhận được cái đói nghèo của cả xã qua bao mùa hành tỏi bấp bênh, hiểu được rõ hơn một thời bố mẹ từng kể : vui vẻ nhưng vất vả, hồn nhiên nhưng lam lũ. Cuốn sách đã thôi thúc tôi - một đứa con sinh ra và lớn lên gần dòng sông Thương hiền hòa tìm hiểu về quá khứ của quê hương. Tôi bất chợt nhận ra, qua bao nhiêu năm, quê mình thay đổi nhiều quá. Vứt bỏ đi cái áo nghèo nàn, lỗi thời, Liên Chung liên tục cựa mình động đậy thay đổi để trở nên phát triển hơn, văn minh hơn, phồn vinh hơn. Hàng cây hoa gạo xinh đẹp, rực rỡ ven bờ sông Thương  theo nhịp sống đó mà dần mất đi, những chú đom đóm trong kí ức của Nguyễn Quốc Vương cũng dần trở nên hiếm hoi. Thế nhưng dù có thay da đổi thịt bao nhiêu lần đi nữa thì Liên Chung vẫn mang  cái mùi đặc trưng đến lạ: mùi khói bếp và mùi hành tỏi. Có lẽ vì thế mà cố hương trong ngòi bút của anh chàng “ bán sách rong” hiện lên vừa xa lạ lại vừa gần gũi.

                       Cuộc sống theo dòng thời gian mà biến đổi muôn hình vạn trạng, con người cũng bị cuốn theo nhịp sống hối hả thường nhật nên đôi lúc ta quên đi những nét đẹp của đời thường. Thế nên, cuốn sách “ Mùi của cố hương” giống như một nốt lặng trong cả bản hòa ca mãnh liệt, mạnh mẽ, dồn dập của đời người. Ấy là nốt lặng của kí ức để chúng ta lắng lại tâm hồn mình, nhìn lại bản thân, nhìn lại quê hương xứ sở  thấy được cái đẹp tiềm ẩn trong nét đời thường, cái đẹp mê người trong cái nghèo nàn, lạc hậu. Cuốn tản văn ấy nhẹ nhàng len lách vào những ngõ sâu trong hồn người, lật lại những hình ảnh cũ kĩ đã bám bụi trong kí ức, đốt lên ngọn lửa mãnh liệt của tình yêu quê trong trái tim mỗi người. “Mùi của cố hương” không có những câu từ cổ động, không có những lời văn sao rỗng thô kệch mà chỉ thuần túy thuật lại những gì đã qua trong quá khứ của tác giả Nguyễn Quốc Vương. Thế nhưng, nó lại có sức hút đến lạ. Có lẽ, đó là sự lôi cuốn đến từ một tình yêu, một nỗi nhớ quê cồn cào của một kẻ lang bạt nơi nước Nhật lãnh lẽo. Tôi chắc rằng, bất kì một người tha hương nào đọc tác phẩm này đều sẽ có một cảm giác rung động kì lạ. Đó là cảm giác rung động với nơi mình sinh ra, với những kỉ niệm chôn sâu trong tiềm thức tưởng chừng đã lãng quên từ lâu. Nguyễn Quốc Vương đã hoàn toàn chạm đến được nơi mềm yếu nhất trong trái tim của mỗi người, khơi lên khát vọng được trở về trong lòng mỗi đứa con xa xứ.

               Nếu bạn đọc kĩ tác phẩm, bạn sẽ thấy tình cảm mà người cầm bút tài tình ấy đặt vào không chỉ là nỗi mong ngóng, nhớ thương mà còn là sự trân trọng, tự hào đáng quý. Tư tưởng của tác phẩm có lẽ không chỉ nằm ở nỗi nhớ mà còn ở sự thôi thúc, khát vọng gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Phát triển là một điều tốt nhưng sự phát triển xã hội phải đi song hành với sự phát triển ý thức văn hóa. Sự bền chặt giữa hiện đại và cổ truyền mới làm nên căn cốt phát triển cường thịnh của một dân tộc. Điều đó cũng thôi thúc chúng ta phát triển đến tương lai nhưng không quên nhớ về quá khứ, về nét đẹp của thời gian.

               Thời gian của mỗi con người giống như hạt cát luồn qua kẽ tay vậy! Ta càng cố sức nắm chặt thì nó trôi đi càng nhanh. Vậy, bạn có biết món quà tuyệt vời nhất mà dòng chảy lạnh lùng vô tình ấy để lại cho con người là gì không? Không phải tuổi tác, không phải sự trưởng thành mà là kí ức. Kí ức là thứ duy nhất có thể khiến chúng ta hoài niệm về quá khứ một đi không trở lại. Thế nên, nó càng trở nên vô giá, không thể mua, cũng chẳng thể bán được. Chúng trở thành động lực để ta bước tiếp trên con đường tương lai chông gai, xa xăm phía trước. Gom góp lại hết những kỉ niệm xưa cũ đẹp đẽ ấy của mình, tác giả Nguyễn Quốc Vương viết lên cuốn sách “Mùi của cố hương” cũng viết lên giai thoại về tuổi thơ, về quê hương của biết bao người. Mong bạn một lần được cầm trên tay cuốn sách ấy để có thể có được một tấm vé du hành trở về với  bản thân và quê hương mình trong quá khứ mơ màng, xưa cũ.

 

Bài viết cùng danh mục