Giáo dục lịch sử và Lịch sử học (sử học).

Nguyễn Quốc Vương 27/03/2024
Sáng tác - Dịch thuật


 

Từ chỗ chỉ vài người nhạy cảm lo lắng, những vấn đề của giáo dục lịch sử ở VN đã trở thành vấn đề xã hội khi phần đông đều thừa nhận mức độ trầm trọng của nó.

Trong bối cảnh như thế rất dễ hiểu khi có những động thái nhằm cải thiện tình hình, giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, có vẻ như không có những biện pháp khoa học và hiệu quả. Trái lại có hai xu hướng tạo nên hiệu ứng ngược mà nói theo kiểu dân gian là “đau bụng cho uống nhân sâm”

Xu hướng thứ nhất là dùng các yếu tố giải trí, giàu cảm tính để làm cho học sinh “thích thú” với môn Sử: dùng nhạc, hình ảnh, vũ điệu, công nghệ….

Xu hướng thứ hai là nhấn mạnh cần “tăng cường giáo dục truyền thống”, “tăng cường giáo dục lòng yêu nước”, “làm cho học sinh thuộc lịch sử dân tộc để giáo dục lòng tự hào”….

Hiệu quả ngược của xu hướng thứ nhất là làm cho học sinh say mê với các yếu tố giải trí, vụn vặt, không phát triển được tư duy lịch sử. Cách làm này cũng chỉ hấp dẫn được học sinh sau một thời gian ngắn ngủi. Đơn giản vì việc học như thế không đem lại khoái cảm trí tuệ cho học sinh. Bộ não sẽ sinh ra phản xạ phòng vệ một cách vô thức chống lại kiểu học đó khi nó tiến hành lâu dài.

Hiệu quả ngược của xu hướng thứ hai là làm cho học sinh mệt mỏi. Lý do nằm ở chỗ mối quan tâm của người lớn khác xa mối quan tâm của học sinh vì thế những thứ người lớn nghĩ là ghê gớm, to tát, cần thiết thì học sinh lại chưa quan tâm học quan tâm bằng con đường khác. Khi những chủ đề, các cách thức tiếp cận các chủ đề đó không phù hợp với phạm vi quan tâm, hứng thú của học sinh, học sinh sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán nản và không tìm thấy ý nghĩa của việc lịch sử đối với cá nhân mình. Ví dụ “tình yêu quê hương đất nước” (tôi thích dùng cụm từ này hơn “lòng yêu nước”) chỉ thực sự nảy sinh khi học sinh cảm thấy mối liên hệ hữu hình và vô hình giữa cuộc sống của bản thân mình ở góc độ cá nhân với “không gian” và “thời gian” có tính lịch sử của quê hương. Muốn có điều đó thì giáo dục lịch sử phải lấy xuất phát điểm là những trải nghiệm của học sinh hay những vấn đề học sinh đang phải đối mặt trong cuộc sống thường ngày ở quê hương.

Điều này gần như là bất khả khi tư duy môn Sử như trên. Nên nhớ “quê hương” hay “đất nước” trong tâm thức học sinh là một thứ cụ thể chứ không phải là một thực thể trừu tượng.

Chiều tối nay trong khi chơi với con chờ cơm chín, tôi vô tình bật tivi và xem một chương trình giáo dục lịch sử của NHK. Chương trình giúp học sinh tìm hiểu về hoạt động của nhân vật lịch sử Oda Nobunaga, một daimyo lẫy lừng thời Chiến quốc ở Nhật. Trong chương trình có cả Rap, Hip-hop, có người mẫu, nghệ sĩ nổi tiếng, có giáo sư, có bảng đen, phấn trắng.

Nó làm tôi nhớ lại chuyện tôi phê bình một chương trình liên quan đến giáo dục lịch sử của Việt Nam trên VTV7. Ở đó người ta cho một MC là nghệ sĩ múa-hát dẫn chương trình, có sự tham gia của học sinh với đủ các màn Rap, nhạc… về thời Hùng Vương.

Sau khi tôi phê bình chương trình trên FB thì người của chương trình có viết thư điện tử cho tôi và giải thích là chương trình mới là thử nghiệm và đã được chuẩn bị kĩ, có học hỏi từ NHK. Đáp ứng yêu cầu của người làm chương trình tôi đã viết lại một lá thư dài phân tích những điểm bất hợp lý của chương trình.

Nhân dịp này, tôi sẽ viết thêm mấy ý.

Quả thật nếu nhìn bề ngoài thì chương trình của VN khá giống chương trình của NHK: cũng có các em học sinh ăn mặc sáng ngời, có nghệ sĩ dẫn chương trình, có các màn nhảy múa đọc Rap có nội dung lịch sử, có bảng đen, lớp học…

Nhưng…

Hình như phía VN đã chỉ học được cái vỏ bên ngoài. Họ đã không nhìn ra và thẩm thấu được tư duy và những nguyên lý học thuật ẩn sau chương trình đó.

Trong đó nguyên lý cơ bản nhất là mối quan hệ mật thiết giữa giáo dục lịch sử và sử học: Giáo dục lịch sử không phải chỉ đơn giản là truyền đạt nội dung thành tựu của sử học mà còn phải sử dụng các phương pháp của sử học và đặt ra các vấn đề cho sử học.

Chẳng hạn ở chương trình về Oda Nobunaga nói trên, thay vì xác lập một chủ đề “bất động” và tiến hành diễn giải, minh họa cho chủ đề, NHK đã thiết lập một chủ đề “động” dưới hình thức “vấn đề” (một câu hỏi): “Tại sao Oda Nobunaga lại có thể thắng dễ dàng nhiều đối thủ khác trong các trận chiến trong khi có số lượng quân lính ít hơn?”.

Để làm rõ vấn đề này, NHK đã cho các học sinh tham gia chương trình tiến hành các hoạt động:

– Điều tra thực địa (đến tận nơi diễn ra trận chiến để quan sát địa hình và xác định vị trí các bên bố trí trận địa)
– Phỏng vấn chuyên gia (nhà sử học chuyên nghiên cứu về Oda Nobunaga)

– Trải nghiệm (học sinh được cầm súng mô hình kê lên hàng rào chống kỵ binh của Oda Nobunaga để hiểu lợi thế của việc kê súng lên đó nhắm bắn quân địch so với việc tì súng lên vai).

Cuối cùng nhà sử học đưa ra kiến giải của bản thân và nêu ra vài giả thuyết khác.

Như vậy, đủ thấy sự khác biệt cơ bản giữa cách làm của VTV (Việt Nam) và NHK (Nhật Bản).

Tư duy của phía VN là truyền đạt tri thức có kết luận trong khi phía NHK là đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và mở ra vấn đề khác (không có kết luận cuối cùng).

Cách thức truyền đạt tri thức của phía VN là dùng nhạc, hình, nghệ sĩ để tạo cảm hứng, truyền tải sao cho hiệu quả thông tin dự tính tới người tiếp nhận. Trong khi cách thức giải quyết vấn đề đặt ra của NHK là dựa trên cơ chế làm việc của nhà sử học: thiết lập chủ đề, tìm kiếm tư liệu, xử lý tư liệu (điền dã, phỏng vấn…), tham chiếu các nghiên cứu khác ….

Không gian học tập của VTV7 chỉ là lớp học thuần túy trong khi ở NHK rất rộng: lớp học, di tích lịch sử, bảo tàng, vườn trường

Trục thời gian lịch sử trong chương trình của VTV7 có tính đơn tuyến-quá khứ thuần túy, bó hẹp trong giai đoạn Hùng Vương-rất xa và không tạo ra mối liên hệ với cuộc sống của học sinh. Trong khi đó trục thời gian lịch sử trong chương trình của NHK có tính “phức tuyến”, “đa chiều”: xuất phát từ hiện tại nhìn về quá khứ, rồi lại từ quá khứ trở lại hiện tại, tương lai (giai đoạn lịch sử tiếp theo thời Chiến quốc).

Trục thời gian của NHK gợi nhắc đến câu nói nổi tiếng của nhà sử học người Anh, H.Carr trong tác phẩm kinh điển “Lịch sử là gì?” được giới sử học trên thế giới đồng cảm ““lịch sử là quá trình tương tác liên tục giữa nhà sử học và sự thật, là sự đối thoại về những gì chưa dứt giữa hiện tại và quá khứ”.

Nói một cách ngắn gọn trong khi VTV coi các yếu tố giải trí như là xương sống của chương trình thì đối với NHK nó chỉ đóng vai trò như màn dạo đầu, lấp thời gian khi chuyển cảnh, chuyển không gian hoạt động của học sinh và khép lại chương trình.

Điều thú vị nữa là các học sinh tham gia trong chương trình của NHK được giới thiệu là những học sinh vốn “học kém môn lịch sử”.

 

Nguyễn Quốc Vương 

 

Bài viết cùng danh mục
Nguyễn Quốc Vương 19/09/2023
Thương nhớ hoa sim
Nguyễn Quốc Vương 22/09/2023
Xác Ướp
Nguyễn Quốc Vương 11/10/2023
Lễ Hội Kéo Co ở Nhật Bản
Nguyễn Quốc Vương 20/11/2023
Quan hệ triều cống Trung-Xiêm (IV)
Nguyễn Quốc Vương 04/11/2023
Hoa anh đào và cái đẹp mong manh.