Giáo dục khai phóng và khuyến đọc

Nguyễn Quốc Vương 26/06/2024
Giới thiệu sách

Bài đã in trong "Đọc sách thú vị hơn em tưởng" (NXB Lao Động, 2023) 


Tôi biết đến “Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng” và dịch giả Châu Văn Thuận khi vào trong TP HCM dự sự kiện công bố giải “Sách hay 2020”. Cuốn này cùng với cuốn “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản” của tôi được trao giải sách hay hạng mục giáo dục bao gồm sách do người Việt viết và sách dịch.

Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng” (Quảng Văn, 2021) được viết bởi Fareed Zakaria, một nhà báo gốc Ấn Độ.

Nhìn vào tiểu sử của tác giả và căn cứ vào lời kể của ông trong cuốn sách ta có thể thấy rằng chính tác giả là một hiện thân, là kết quả bằng xương bằng thịt sinh động của giáo dục khai phóng.  

Ông sinh ra, lớn lên tại Ấn Độ trong một gia đình trí thức tinh hoa và được hưởng thụ nền giáo dục tốt. Sau khi tốt nghiệp trung học ở Ấn Độ, tiếp bước anh trai, ông đến Mỹ du học tại Đại học Yale. Từ đây con đư…ờng học tập của ông rộng mở và sau này ông lấy được học vị tiến sĩ sử học, trở thành tác giả và nhà báo nổi tiếng.

Ông viết cuốn sách này trong bối cảnh làn sóng chỉ trích giáo dục khai phóng đang tăng lên ở Mỹ và ở cả các nước phát triển trên thế giới.

Ở Việt Nam, cuộc thảo luận về giáo dục khai phóng cũng mới được xướng lên gần đây cho dù trên thực tế nó đã được hình thành ít nhiều trong thực tế trước đó đặc biệt ở miền Nam trước 1975.

Trong khi các nhà trí thức có tư tưởng tự do và quan tâm đến những mục tiêu lớn lao như giải phóng con người, kiến tạo con người tự do, hình thành nên các công dân dân chủ có tinh thần phản biện sâu sắc, đánh giá cao giáo dục khai phóng thì những người thực dụng lại cho rằng nó đã trở lên lạc hậu và cần phải ưu tiên chương trình đại học cho chuyện “học nghề”.

Trong cuốn sách này, sau khi giới thiệu bối cảnh ông tiếp cận và trải nghiệm giáo dục Hoa Kỳ trong đó có giáo dục khai phóng, Fareed Zakaria đã trình bày tóm lược về “lược sử giáo dục khai phóng” từ đó trình bày một cách thuyết phục về ý nghĩa, vai trò của giáo dục khai phóng đối với con người. Với ông, giáo dục khai phóng không tạo ra một nghề gì cụ thể nhưng với cấu tạo chủ yếu là các môn khoa học xã hội nhân văn như lịch sử, triết học, mỹ thuật, văn học nó tạo cho con người học một nền tảng tốt, một tư duy sắc sảo và độc đáo để họ có khả năng học hỏi suốt đời và có thể làm tốt bất cứ việc gì. Ông dẫn ra những nghiên cứu cụ thể để chứng minh rằng những sinh viên được trải nghiệm giáo dục khai phóng có sức sáng tạo tốt hơn các sinh viên khác không có cơ hội đó cho dù họ  làm việc thuần túy trong lĩnh vực công nghệ hoặc kĩ thuật.

Khi đọc cuốn sách này, với tư cách là người khuyến đọc tôi nhận ra một điều rất thú vị, giáo dục khai phóng và khuyến đọc để tạo ra nền tảng văn hóa có mối quan hệ khăng khít lẫn nhau. Như chính tác giả viết trong cuốn sách:

 “…Việc đọc-đặc biệt là việc đọc sách-tôi dám quả quyết nó vẫn là một trong những con đường quan trọng nhất để đạt tới kiến thức thực sự. Ít có cách thay thế nào giúp ta hiểu sâu một vấn đề hơn so với việc đọc một cuốn sách có giá trị viết về vấn đề đó. Điều này đã đúng suốt nhiều thế kỷ và sẽ không thay đổi. Trẻ em cần phải thích đọc chứ không chỉ xem nó là việc cha mẹ bắt làm trước khi chúng được phép chơi game hay xem một chương trình truyền hình”.

Như vậy, để dễ hiểu ta có thể coi giáo dục khai phóng là giáo dục cơ sở, giáo dục tạo ra nền tảng cơ bản nhất, giáo dục hướng con người trở thành cá nhân, công dân có tinh thần tự do, ham hiểu biết, ham truy tìm chân lý và biết liên tục hoàn thiện bản thân mình cũng như cải tạo thế giới nhờ vào các môn học khoa học xã hội và nhân văn được thiết kế chú trọng tới đào luyện tư duy hơn là nhồi nhét và ghi nhớ kiến thức.

Ở ý nghĩa này, giáo dục khai phóng sẽ gắn bó chặt chẽ với văn hóa đọc. Bởi thế, đối với cá nhân tôi-một người làm khuyến đọc, cuốn sách này còn có thêm một ý nghĩa đặc biệt.

Tác giả Fareed Zakaria trong cuốn sách này không chỉ “biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng” vốn đang bị tấn công bởi lối tư duy thực dụng muốn biến con người thành công cụ hay phương tiện kiếm tiền, ở chương cuối cùng (chương 6) ông còn cất tiếng “biện hộ cho tuổi trẻ ngày nay” với rất nhiều kì vọng.

 Và ở ý nghĩa đó, tôi hiểu, cuốn sách trước hết được viết cho những nhà giáo dục và tuổi trẻ-những người đang gánh vác trên vai sứ mệnh kiến tạo tương lai.

Nếu bạn là thanh niên và đang suy ngẫm về chặng đường sắp tới của cuộc đời mình bạn rất nên đọc cuốn sách này.

Và tất nhiên, cuốn sách cũng là lựa chọn thích hợp cho những ai đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục.

Bài viết cùng danh mục