Trong sự kiện Hỏi – đáp Chuyên gia từ 10/08/2021 đến 20/08/2021 các bạn noronion sẽ có dịp giao lưu cùng Chuyên gia Nguyễn Quốc Vương- một tác giả/dịch giả/diễn giả trong lĩnh vực giáo dục, lịch sử. Đặc biệt, chúng ta sẽ được giải đáp thắc mắc vì sao anh lại quyết định trở thành “Người bán sách rong”.
Chuyên gia từng du học Nhật Bản 2 lần: 2006-2011 và 2014-2017. Anh cũng từng là giảng viên đại học Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành.
Lĩnh vực anh quan tâm, nghiên cứu: lịch sử giáo dục, giáo dục lịch sử, so sánh giáo dục Nhật Bản và Việt Nam, văn hóa đọc, hoạt động trải nghiệm và giáo dục đời sống…
Tính đến thời điểm hiện tại, anh đã dịch và viết khoảng 70 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa. Trong đó, tác phẩm “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản” của anh đạt Giải sách hay năm 2020.
Anh tự nhận mình sống bằng nghề: dịch, viết, nói chuyện, làm sách và “bán sách rong”. Đây là tâm sự của anh về lựa chọn thú vị này của bản thân:
Bây giờ, gặp ai kể cả người quen lâu hay mới quen, khi được hỏi “Anh dạo này làm gì?”, tôi đáp “Em/mình bán sách rong” một cách rất tự nhiên. Gia đình và bạn bè cũng đã quá quen với chuyện đó, đến độ thay vì trước kia gọi điện hay nhắn tin hỏi “Hôm nay cậu ở nhà hay đi đâu?” thì giờ sẽ là: “Này, hôm nay trải chiếu ở đâu đấy?”.
Mọi chuyện nghe có vẻ trơn tru, tự nhiên, nhưng cái sự khởi đầu vô cùng ngượng ngập. Bán sách của chính mình viết ra hay chuyển ngữ! Một việc có thể xếp vào hàng những việc lương thiện nhưng có lẽ ít người làm.
Trên thực tế có lẽ cũng có những tác giả, dịch giả làm điều đó nhưng thường thì họ sẽ bán cho thư viện, các cửa hàng sách, nếu là giáo viên-giảng viên thì bán cho học trò một cách âm thầm, lặng lẽ, hoặc thời nay thì giới thiệu qua trang cá nhân. Dường như chưa thấy mấy ai là người viết sách, dịch sách lại tự rao bán sách mình và mang đến tận tay khách hàng một cách “công nhiên” vậy cả.
Bởi thế, ban đầu dù đã rất quyết tâm tự động viên “mình đâu có làm việc gì xấu”, tôi cũng từng viết rồi lại xóa không biết bao lần những dòng chữ rao bán sách mình trên Facebook.
Sự ngượng ngùng ấy làm tôi nhớ lại một truyện ngắn có tên “Thời gian để làm quen” hình như của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh. Truyện kể về một anh bộ đội phải tập đi buôn để bán những thứ xã hội đang lùng sục lúc bấy giờ như sữa, thuốc lá… để mưu sinh. Khi đi bán, anh buộc lòng phải chường mặt ra đường, phải tiếp xúc với “con phe”, phải học cách nói điêu. Ban đầu anh ngượng chín mặt mỗi lần đi bán phải trốn tránh người quen lén lút như thằng ăn trộm, nhưng rồi anh quen dần với sự bán mua.
Tôi không phải đối diện với con phe, cũng không phải cố gắng khen sách mình nhưng thú thật, vượt qua được nỗi sợ, cảm giác xấu hổ vô hình là không dễ.
Đôi khi ngồi đọc sách và ngẫm ngợi, tôi tự nghĩ, mình làm một việc 30% mưu sinh, 70% trải nghiệm còn “sợ” thế này, thì quả thật phải nể trọng và biết ơn những người đã dám vượt qua định kiến xã hội và số đông để làm những việc có ích và lớn lao biết nhường nào.
Ngoài viết và dịch sách, tính đến thời điểm hiện tại, Chuyên gia Nguyễn Quốc Vương thường trình bày trong tư cách như là diễn giả các chủ đề: Cải cách giáo dục ở Việt Nam và Nhật Bản, Tự học thông qua đọc sách, Trải nghiệm du học tại Nhật Bản và sự chuẩn bị cho quá trình du học v.v…
Mời các bạn cùng làm quen với Chuyên gia Nguyễn Quốc Vương:
Tham gia sự kiện Hỏi – đáp Chuyên gia từ ngày 10/08/2021 đến ngày 20/08/2021 Chuyên gia Nguyễn Quốc Vương có thể giải đáp các câu hỏi về: Lịch sử giáo dục; Giáo dục lịch sử; So sánh giáo dục Nhật Bản và Việt Nam; Văn hóa đọc; Hoạt động trải nghiệm và giáo dục đời sống.
Các bạn noronion đừng bỏ lỡ cơ hội giao lưu cùng Chuyên gia Nguyễn Quốc Vương nhé!