Ehon truyền hình
Nguyễn Quốc Vương 01/05/2024
Tác phẩm và dư luận
Ehon truyền hình là tên gọi các ehon dành cho trẻ nhỏ lấy đề tài là các tác phẩm phim hoạt hình hay các tác phẩm phim ảnh sử dụng hiệu ứng đặc biệt (Special Effects).
Quá trình
Năm 1958 lần đầu tiên Nhà xuất bản Suzuki xuất bản ehon về bộ phim hoạt hình “Popeye” của Mĩ. Cũng công ty này vào giữa những năm 1960 đã xuất bản ehon truyền hình “Atom tay sắt” dựa trên phim hoạt hình của truyền hình Fuji vốn sử dụng nguyên tác là các truyện tranh của Tezuka Osamu hay kịch búp bê “Hyokkori Hyottan Jima” của NHK và nó đã trở thành tác phẩm ăn khách làm cho các công ty xuất bản khác cạnh tranh cũng như truyền hình màu chính thức bắt đầu và tạo ra trào lưu xuất bản “ehon truyền hình”.
Vào những năm 70 của thế kỉ XX, các công ty như Shonenhoga, Hikarinokuni, những nhà xuất bản chuyên về sách dành cho thiếu nhi hay manga đã chia sẻ phần lớn thị phần nhưng đến năm 2011 thì Shogakukan, nơi nắm giữ tạp chí thông tin truyền hình có tên “Terebi Kun”, vốn được xây dựng hướng đến trẻ em, Kodansha, nhà xuất bản nắm giữ “Terebi Magazine” cùng Tokuma Shoten, công ty sở hữu tạp chí Terebi Land” đã đình bản từ năm 1997 trở thành ba công ty chủ yếu chi phối dòng ehon này.
Tên gọi “ehon truyền hình” được công ty Kodansha đăng ký thương hiệu năm 1997 nhưng thương hiệu này đã không có hiệu lực và vì thế mà các công ty cạnh tranh khác như Shogakukan cũng sử dụng.
Đặc trưng
Khổ sách thường phần lớn là B5 (17.6 x 25cm), A20 (14.8 x 16.8), 15cm x 15cm. Sách khổ B5, A20 thường coi trọng độ bền vì thế mà sử dụng giấy dày và về cơ bản là có dung lượng 16-24 trang. Ehon truyền hình khổ B5, A20 chủ yếu được xuất bản bởi Kodansha, Shogakukan, Tokuma Shoten.
So với ehon truyền hình B5, A20 thì ehon khổ 15cm x 15cm là các cuốn có sử dụng giấy mỏng hơn và chủ yếu do Nagaoka phát hành.
Trong trường hợp là tác phẩm phim ảnh sử dụng hiệu ứng đặc biệt thì đa phần các cảnh trong phim sẽ được sử dụng y nguyên còn đối với trường hợp phim hoạt hình thì đa phần người ta sẽ có chỉnh sửa và tạo mới cho bản ehon truyền hình. Phần lớn các ehon này có trang kép nhưng cũng có khi thể hiện cảnh trong trang đơn. Về nguyên tắc không sử dụng phần bong bóng ghi lời thoại như là ở Manga, lời thoại của nhân vật sẽ được sử dụng cùng với lời văn dẫn chuyện và để trong ngoặc kép. Về nguyên tắc cũng không dùng chữ Hán mà toàn bộ viết bằng Hiragana và Katakana (hiếm hoi mới có trường hợp dùng kí tự a, b, c).
Nội dung được tái cơ cấu lại từ nội dung phát sóng trên truyền hình cho phù hợp với trẻ em vì thế rất hiếm khi có tình tiết nào được tạo mới hoàn toàn trong ehon truyền hình. Ngoài ra ở phần cuối sách thường có phần giới thiệu nhân vật, trò chơi tìm ra sự khác biệt hay các ô chữ…
Nguyễn Quốc Vương lược dịch từ wikipedia tiếng Nhật