Tôi đến Nhật năm 2006 và năm 2008 thì bắt đầu lần mò đọc sách Nhật. Đủ loại nhưng không chú ý đến ehon cho đến khi có con nhỏ. Ehon của Nhật Bản là một khu rừng mênh mông và ẩn chứa nhiều điều thú vị.
Ở Việt Nam gần đây, ehon được du nhập và phát hành rộng rãi. Vợ tôi mua cho con đọc và thằng bé tỏ ra rất thích những cuốn như “Chú sâu háu ăn”, “Ngôi nhà 100 tầng dưới biển”.
Tôi sẽ lần lượt giới thiệu các bài dịch và viết của tôi về thể loại sách này tới các bạn.
Ehon là gì?
Ehon (Piture book) là một loại sách mà nội dung chủ yếu của nó được vẽ bằng tranh và trong số những cuốn sách lấy tranh minh họa (Illustration), chúng là những cuốn có chủ đề câu chuyện, có lời văn bổ sung để độc giả đọc.
Khái quát
Phần lớn nội dung ehon là dành cho nhũ nhi (trẻ trong giai đoạn bú sữa) và nhi đồng nhưng cũng có cả ehon dành cho người lớn và ngay cả người lớn đọc nó cũng có tác dụng.
Ở ehon dành cho nhũ nhi thì do bản thân trẻ chưa thể đọc được chữ cho nên thông thường người lớn hay trẻ lớn tuổi hơn sẽ đọc cho trẻ nghe và cho trẻ nhìn tranh.
Nhờ đó mà người ta kì vọng rằng ehon sẽ có hiệu quả giáo dục gia đình, một hình thức học tập ý nghĩa của từ ngữ thông qua việc tạo ra mối liên quan giữa từ ngữ và hình ảnh (biểu tượng tạo ra từ thị giác). Tuy nhiên trong thực tế đời sống hàng ngày thì tính chất giải trí thuần túy của nó rất mạnh. Ngoài ra, ở những ehon dành cho nhi đồng thì lời văn của tranh vẽ sẽ là câu chuyện thể hiện các tình huống gây xúc cảm nhưng những thông tin phụ có thể thu nhận được từ tranh vẽ cũng có tính chất như là thứ bổ sung thêm sự thuyết minh cho lời văn.
Nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi John Stephens cho rằng việc những cuốn ehon tốt “Tạo ra sự không khớp nhau giữa lời và tranh cùng năng lực sử dụng nó” rất quan trọng. Đấy là những tác phẩm mà sự sai lệch trên có vẻ như là bí quyết để khi người đọc so sánh giữa tranh và lời sẽ tạo ra cảm giác căng thẳng hay khác thường, tác động vào ý thức, ánh mắt của người đọc, lôi cuốn họ vào câu chuyện.
Quá trình lịch sử.
Người ta cho rằng ehon trong thời sơ kì có tính chất giống như là thứ giúp cho đại chúng vốn có tỉ lệ biết chữ thấp hiểu được nội dung. Đặc biệt chúng thường được thấy dưới dạng như những sách thể hiện bằng hình vẽ, tranh vẽ các thần thoại, truyền thuyết hay khái niệm trừu tượng trong hoạt động truyền giáo của các tôn giáo trên khắp thế giới và có nhiều cuốn còn được thể hiện dưới hình thức là sách có tranh minh họa cho các thần thoại, truyền thuyết.
Ehon ở Nhật Bản
Có thể lần tìm lại lịch sử của ehon với khởi nguồn của nó là các truyện kể bằng tranh cuộn của thời Heian rồi đến truyện tranh thời Muromachi, sách Kusazoshi thời Edo. Cũng có trường hợp người ta gọi tất cả những sách lấy tranh là chủ thể được xuất bản dưới thời Edo như “Kyokabon” thuộc nhóm Kyoka, Kyobishi, Hinagatabon-sách thể hiện các hoa văn cho Kimono, họa phổ vốn được dùng để thưởng lãm, hình vẽ động thực vật là ehon. Đặc biệt sách Akahon thời Edo có thể coi là Ehon được sáng tác cho trẻ em.
Ngoài ra, với tư cách là sách có yếu tố giáo dục mạnh thì còn có thể kể ra tác phẩm “Huấn mông đồ vị” của Nakamura Tekisai (1629-1702). Đến thời Minh Trị, kĩ thuật in ấn và Ehon của Âu Mĩ du nhập vào và ehon trở nên có hình thái như hiện nay. Trong ehon cũng có loại chỉ có tranh nhưng về cơ bản câu chuyện sẽ được kể bằng cả lời và tranh.
Ở Nhật nhìn chung ehon được tạo ra với ý đồ coi nó là thứ có tính chất giáo dục dành cho trẻ em. Do bị ảnh hưởng của sự phổ cập của các tạp chí tranh từ thời trước Chiến tranh thế giới thứ hai như “Kodono no Kuni” (Vương quốc trẻ thơ), “King book” ở các nhà trẻ, mẫu giáo cho nên ngay từ thời trước chiến tranh cũng đã có cả ehon dành cho bạn đọc từ độ tuổi nhi đồng trở lên như “Ehon của nhà xuất bản Kodansha”.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các tạp chí như “Tobaan no Ehon”, “Tobban no Ningyo Ehon”, “Esselbook ningyo Ehon”, nguyệt san “Người bạn của trẻ em” đã dịch nhiều truyện đồng thoại của Âu Mĩ và cùng với truyện đồng thoại, cổ tích của Nhật Bản, trẻ em đương thời đã có được thói quen nghe người khác đọc hoặc tự mình đọc mà không mấy khi để ý nó là câu chuyện của nước nào.
Ehon ở Châu Âu
Ehon giáo dục cổ nhất là “Orbis Pictus” của nhà giáo dục Johannes Amos Comenius sáng tác trong thời đại cải cách tôn giáo.
Sau những xuất bản phẩm do John Newbery, một người chuyên xuất bản sách thiếu nhi thế kỉ XVIII ở Anh tọa ra, đến giữa thế kỉ XIX, hình thái ehon hiện đại, thứ kết hợp lời và tranh đã được hoàn thành.
Ở Châu Âu có những ehon với mục đích giải trí thuần túy dành cho đối tượng trẻ em sau nhũ nhi chia làm các tầng lớp khác nhau nhưng cũng có khi có cả những cuốn bao gồm chút ít cả nội dung khiêu dâm hay tục tĩu. Ở châu Âu Manga (truyện tranh) không phổ biến như Nhật Bản và ở Nhật Bản thời Edo, Shunga (Xuân Họa) cũng đóng vai trò như là ehon.
Vào đầu thế kỉ XX, có rất nhiều phương pháp được sử dụng nhằm phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa lời và tranh và làm phong phú, mở rộng sự lý giải của độc giả. Các tác giả tiêu biểu của thời kì này là Helen Beatrix Potter, Elsa Beskow. Cùng với sự rút ngắn của thế kỉ XX, các tác phẩm ở đó mối quan hệ giữa tranh vẽ và rõ ràng, dễ hiểu trở nên ít đi, và các tác phẩm thử thách năng lý giải, giải thích của độc giả cũng như để lại ấn tượng khó hiểu trong lòng độc giả sau khi đọc xong tăng lên.
Ehon và hiện tượng
Hiện nay, nhiều ehon có tính nghệ thuật cao được tạo ra vì ngay từ đầu người ta đã nhắm đến mục tiêu chính là người lớn. Cho dù là ehon dùng cho ấu nhi hay nhi đồng thì cũng có cuốn mà ngay cả người lớn đọc vẫn có ấn tượng siêu hiện thực xuất phát từ sự mập mờ. Mặt khác cũng có những trường hợp giành được sự quan tâm của người lớn bằng sự sâu sắc hay ý nghĩa của câu chuyện và trong số những ehon được yêu mến qua nhiều thế hệ thì vẫn có thể tìm ra những “tác phẩm” tốt như thế.
Cũng có những tác phẩm chứa đựng triết học sâu sắc đối với sự vi diệu trong trái tim con người hay làm cho người đọc có cảm giác tươi mới đối với những sự vật quen thuộc khi nhìn nó bằng cảm quan của trẻ em.
Trong số đó có cả tác phẩm đã lôi cuốn cả người lớn và trẻ em tạo ra sự say mê cuồng nhiệt. Nếu như có những tác phẩm giống như “Con mèo sống một triệu lần”-tác phẩm làm cho độc giả cảm động sâu sắc thì cũng có cả tác phẩm như “Hãy tìm Wally” (Where’s Wally?)-dạng game-book cung cấp trò chơi cho người đang ngày càng được độc giả yêu mến.
Trong các tác phẩm tạo thành xê-ri thỏ “ Nijntje Pluis” (Ở Nhật được biết đến với cái tên Miffi hay “Usako-chan” , Apaman đã được chuyển thể thành nhiều dạng khác nhau và trở thành nhân vật được yêu mến trên khắp thế giới vượt qua cái khung đơn giản là Ehon.
Trái lại có trường hợp thì các nhân vật vốn có được biến thành nhân vật ehon và có cả tác phẩm phim hoạt hình dành cho trẻ em được biến thành ehon.
Đọc cho trẻ nghe
Đọc cho trẻ nghe sẽ có ba trường hợp: Trường hợp ha mẹ đọc cho trẻ nghe, trường hợp giáo viên đọc cho trẻ nghe ở trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và trường hợp nhân viên đọc cho trẻ nghe ở bảo tàng, thư viện, cửa hàng sách. Cả ba trường hợp đều là nhằm tạo ra sự trưởng thành ở trẻ nhưng cách thức tiến hành sẽ khác nhau chút ít.
Việc công bố Ehon của các cá nhân
Đối với ehon không có những nơi bán trực tiếp hay triển lãm lớn như “hội chợ văn học” hay “Tạp chí đồng nhân” vốn dành cho truyện tranh comic hay các tác phẩm văn học.
Nơi công bố tác phẩm của các cá nhân, tổ chức sản xuất ehon thường là các sự kiện nghệ thuật như “Design Festival”, “Comita”-nơi bán tại chỗ các tác phẩm gốc. Cũng có khi họ đem tác phẩm tham gia “hội chợ văn học” hoặc “Comic Market”.
Ngoaì ra do sự phát triển của Internet mà người ta còn công bố tác phẩm ở trên các web như pixiv, pictbox..
Chủng loại Ehon
– Tobidasu Ehon (Ehon có cấu tạo đặc biệt để khi mở ra thì các chi tiết, sự vật nhô lên khỏi trang sách)
– Katanuki Ehon (Ehon có trang đục lỗ tạo ra những tình huống, ấn tượng bất ngờ khi đọc)
– Ehon truyền hình
– Ehon làm từ vải
– Ehon điện tử
Các giải thưởng dành cho Ehon
– Giải thưởng Caldecott
– Giải thưởng Kate Greenaway
– Giải thưởng quốc tế Hans Christian Andersen
– Giải thưởng Ehon Nhật Bản
– Giải thưởng Ehon của NXB Kodansha
– Giải thưởng dành cho tác giả Ehon mới của NXB Kodansha
….
Nguyễn Quốc Vương dịch từ wikipedia tiếng Nhật