"Điều bí mật trong vườn"-một cuốn phim về tuổi thơ ở làng quê Bắc Bộ.

Nguyễn Quốc Vương 22/08/2024
Tác phẩm và dư luận

Nguồn: Facebook Nguyễn Văn Thương 

Một tập thơ mỏng, sinh động như một thước phim, dung chứa tuổi thơ của tác giả, toàn vẹn cảnh vật thiên nhiên, và lấp ló đời sống làng quê Bắc bộ.
Ngả mình đong đưa trên võng, đọc cho 2 con nghe, cảm tưởng đầu tiên của tôi khi lướt qua những dòng chữ màu xanh lá trên nền ảnh minh họa rực rỡ sắc màu là CHỮ như có chân, có cánh, tràn trề sức sống, nhảy nhót và biến hình.
Ảnh: Tác giả bài viết đang đọc "Điều bí mật trong vườn" cho con nghe (Ảnh nhân vật cung cấp) 

Theo tôi, cái khó và cái đẹp của thơ tả cảnh chính là cách dùng từ. Không rõ bằng rung cảm bén nhạy hay bằng vốn từ phong phú của tác giả, lời thơ rất giàu tính tượng hình, sống động. Nói một cách khác, tác giả như biến chữ thành hình, chuyển lời thành phim:
"Hồn nhiên một cơn gió nhẹ Trèo qua cửa sổ vào nhà Gió cõng theo bao tia nắng Thả lên trang sách chùm hoa"
Để thốt ra được những lời thơ như thước phim, hẳn trong khoảnh khắc đó, tác giả đã nhập tâm vào cảnh vật. Hoặc có một sự nhạy cảm đặc biệt về cảnh sắc và cái đẹp, một trí tưởng tượng không biên giới.
Hoặc xa hơn, có thể đó là độ chín của ý nghĩ, chiều sâu cảm xúc của một người trưởng thành, trải nghiệm cao thâm về đời sống của người trẻ ở làng quê. Và cả năng lực làm chủ tiếng mẹ đẻ của người viết.
Chiếu theo lối thích thưởng thơ vần điệu của đa phần người Việt, Điều bí mật trong vườn chưa thực sự chiều lòng độc giả. Có lẽ, lời thơ được viết xuống bằng những quan sát, rung cảm và tưởng tượng, nên giàu hình tượng mà nghèo vần điệu.
Không chỉ người lớn, tôi nghĩ trẻ em cũng thích vần điệu, thanh âm mượt mà.
Đúng như cái tên của nó, sức sống và sự hấp dẫn của tệp thơ không chỉ ở những bức tranh màu sắc tươi mới, khỏe khoắn hay lời lẽ sinh động mà đó còn là sự huyền bí của thiên nhiên và vũ trụ:
"Mẹ gieo một nắm hạt cải Mà được cả vườn hoa vàng...
Những gì tay người gieo xuống Đất sẽ thực hành phép nhân"
Đó chính là sự kỳ diệu và huyền bí của thiên nhiên và vũ trụ. Một nắm cải thành vườn hoa vàng, cũng như một cây dưa hấu ngoằn nghèo bé xíu cho ra hàng chục quả dưa to mọng và ngọt ngào.
Ở tập thơ này, tác giả đã nhập vai khá hoàn hảo vào tâm trí trẻ thơ. Bởi, người lớn chúng ta thường nhìn thiên nhiên bằng con mắt "biết cả rồi", giam nhốt trí tưởng tượng trong những hình tướng khuôn thước. Chỉ trong tâm trí trẻ thơ, cảnh sắc thiên nhiên mới được bay bổng, thơ mộng, nhảy nhót và được "huyền diệu" như "nó vốn là".
Mình có sự giao cảm chủ quan rằng, tác giả đã phơi lòng mình, bày tỏ sự bất lực, nhỏ bé của kiếp nhân sinh và ký gửi sự mông lung, hồn hậu của mình trước sự huyền bí của vũ trụ vào tập thơ này; biểu thị rõ nhất trong bài "Câu hỏi trong đêm" - những lời ngây ngô chở cả niềm vui, vẻ đẹp và nỗi buồn được đẩy lên cùng một thang bậc:
"Bầu trời đêm rực rỡ Muôn vạn vì sao xanh Bà bảo đấy linh hồn Những người hiền đã mất
Nhưng tôi thấy kỳ lạ Bầu trời mỗi rộng ra Càng lớn tôi càng thấy Lấp lánh triệu thiên hà
Bà ơi lẽ nào thật Tôi luôn miệng hỏi bà Người tốt chỉ sáng lên Ở trời cao tít tắp?
Bà lặng im không đáp Rồi bà về xa xôi Từ đấy không ai nói Câu trả lời cho tôi."
Rõ là, thơ cho trẻ em, lời thơ đẹp, hồn nhiên, trong trẻo và thiếu vần. Nhưng nó chân thật, chạm đến những xúc cảm mong manh và ngọt ngào của con tim. Nó đưa ta về với tuổi thơ, làm mềm đi những định kiến và nhọc nhằn của "người lớn."


Bài viết cùng danh mục