ĐI BỘ NHƯ NHÀ TU HÀNH MINH TUỆ THÌ CÓ ÍCH GÌ KHÔNG?

Nguyễn Quốc Vương 20/05/2024
Sáng tác - Dịch thuật


Xin nói ngay đây không phải là câu hỏi do tôi nghĩ ra!


Tôi đã đọc thấy câu hỏi này trên mạng, ở đâu đó dưới các đoạn phim quay nhà tu hành khổ hạnh tọa thiền hoặc đi bộ chân trần dưới nắng.


Câu hỏi này rất thú vị!

Thú vị hơn nữa vì nó là câu hỏi không chỉ của các tài khoản ẩn danh, vô danh.

Theo bạn, việc nhà tu hành suốt mấy năm cứ đi bộ hết từ Nam lên Bắc lại từ Bắc xuống Nam, ngày ăn một bữa, ngủ ngồi ngoài nghĩa địa, gốc cây, mặc áo tự may, không bạn bè, không gia đình, không đoàn thể, không nơi ở cố định… như thế có hữu ích gì không?

Nhà tu hành ấy có thể giúp cho người ta hết bệnh, hết già, khỏi chết không?


Không!

Nhà tu hành ấy có đem lại tiền, nhà, xe, chức vụ, danh lợi cho người khác không?

Không!

Nhà tu hành ấy có nuôi người già cô đơn, trẻ mồ côi, có cứu giúp người hoạn nạn không?

Không!


Nhà tu hành ấy có làm cho người khác đắc đạo, giác ngộ chân lý hay trở thành người có ý chí như mình không?

Cũng không nốt!


Như thế thì rõ ràng là nhà tu hành khổ hạnh Minh Tuệ không làm được điều gì có ích rồi còn gì nữa?

Không!

Nghĩ như vậy là sai lầm.


Xưa nay ở đời, cái nào hữu ích, cái nào vô dụng không hề dễ đoán định một cách nhanh chóng, giản đơn.

Có những thứ người ta tạo ra với chủ đích để nó hữu ích và nó hữu ích thật, nhìn thấy ngay như trồng cây lấy gỗ, trồng lúa lấy gạo, nuôi bò lấy sữa.

Có những thứ ban đầu không mấy hữu ích nhưng dần dần trở nên hữu ích, thậm chí rất hữu ích. Ví dụ ở quê tôi (Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang) trước kia hoa cây sâm nam chẳng để làm gì, tự nở tự rụng. Nhưng bây giờ khi “Sâm Nam Núi Dành” trở thành đặc sản OCCOP thì hoa của nó phơi, sấy khô trở thành trà bán được giá khá cao. Thậm chí lá, thân cây cũng có thể nghiền ra nước cho gà uống để tạo ra “gà sâm”.

Hơn nữa nếu ta để ý sẽ thấy có những thứ ban đầu người tạo ra nó cũng không hề có chủ ý là để nó hữu ích cho ai, thuần túy là để thỏa mãn sở thích cá nhân, ý chí cá nhân hoặc là thậm chí chỉ là để thỏa trí tò mò nhưng dần dần nó trở thành thứ hữu ích cho vạn người, triệu người, thậm chí toàn nhân loại. Ví dụ ông người Nhật nghĩ ra Karaoke ban đầu chỉ là phục vụ sở thích cá nhân của ông thôi. Nhưng sau này thì thì nó phổ biến khắp toàn cầu và đem lại niềm vui cho cả hàng chục triệu người. Hoặc giống như võ sĩ, quý tộc Nhật nghĩ ra nhiều món chơi bời phục vụ lối sống xa hoa nhưng rồi dần dần nó lan ra giới bình dân và trở thành di sản văn hóa Nhật Bản.

Đặc biệt, có những thứ được vô tình phát hiện ra hoặc được tạo ra như là một hệ quả khách quan nằm ngoài mong muốn hay ý chí của chủ thể nhưng sau đó lại trở nên vô cùng hữu ích. Rất nhiều phát minh khoa học đã ra đời theo con đường này. Ban đầu người ta chủ định làm thí nghiệm để tạo ra một chất nào đó, khám phá một điều gì đó nhưng rồi giữa chừng hoặc kết cục một chất khác được tạo ra, một phát minh khác được biết tới và nó làm thay đổi lịch sử nhân loại. Sự phát hiện ra Penicillin là một ví dụ dễ hiểu. Thuật giả kim, các phép tu hành của đạo giáo…cũng góp cho nhân loại nhiều phát hiện khoa học một cách…khách quan.

Ở một khía cạnh đối nghịch, cái hữu ích ban đầu cũng có thể trở thành cái vô dụng thậm chí có hại theo thời gian. Trong cuốn “Lịch sử học là gì”, giáo sư Odanaka Naoki nói rằng rất nhiều tác phẩm sử học được viết ra với nỗ lực “trở nên có ích” của nhà sử học nhưng kết cục nó trở thành thứ vô dụng vì nguyên lý hữu ích của sử học là nó phải tiếp cận được sự thật. Khi nhà sử học rời xa nguyên lý này, càng cố gắng phục vụ, càng nỗ lực trở nên hữu ích thì tác phẩm càng trở nên ít giá trị và vô ích.

Dễ hiểu nhất ta có thể thấy thức ăn ban đầu là hữu ích cho con người nhưng nếu để lâu, bảo quản không tốt thì vô dụng phải bỏ đi thậm chí trở thành chất độc.
Và cuối cùng, thứ nào có ích hay vô ích còn phụ thuộc vào cái nhìn, kiến thức và cách sử dụng của con người. Nhiều thứ bình thường là độc hại nhưng dược sĩ bào chế, bác sĩ sử dụng kê đơn nó lại thành thuốc cứu người.

Trở lại chuyện nhà tu hành Minh Tuệ. Ông đi bộ, tự tu có thể không giúp trực tiếp được cá nhân, cộng đồng nhưng nhờ hành động của ông, người quan sát, người đồng hành (ông bảo ông không mời, cũng không có quyền xua đuổi, ai đi theo được đến đâu thì đi và tự chịu trách nhiệm) có thể học được rất nhiều thứ hữu ích. Rất có thể nhờ ông và hành động ông làm, nhiều người chợt nhận ra, hiểu ra một điều gì đó và điều chỉnh lẽ sống, lối sống của bản thân mình.

Chẳng hạn với tôi, một người vật lộn sống giữa cuộc đời trần thế đầy khó khăn, bất trắc, khổ sở có thể học được mấy điều.


(1) Hình ảnh nhà tu hành tay ôm nồi cơm điện, chân trần, đầu trần đi liên tục dưới nắng, mưa, ngủ ngồi nơi nghĩa địa, gốc cây và sau này là hình ảnh trai tráng, đàn ông làm tương tự phía sau là một hình ảnh ẩn dụ sâu sắc về cuộc đời của con người. Con người rồi sẽ đi về đâu? Nhân loại sẽ thế nào trong tương lai vô định? Hạnh phúc đích thực của con người là gì? Có phải cứ càng có nhiều tiền, càng có nhiều quyền lực con người sẽ càng hạnh phúc?

Hình ảnh và những câu hỏi đó làm tôi xúc động và gợi ý cho tôi suy ngẫm nhiều điều.

(2) Nhà tu hành khổ hạnh Minh Tuệ xuất thân bình thường như mọi người khác, có cha mẹ tử tế, từng đi nghĩa vụ, từng đi học và học tốt, có nghề nghiệp, thu nhập đàng hoàng, sinh hoạt như người thường nhưng rồi từ bỏ, luyện tập đi bộ, ngủ ngồi và ông làm được điều này từ nhiều năm nay. Xét ở góc độ con người đây là điều phi phàm. Ta cứ thử ngày ăn một bữa, đi chân trần, không đội mũ khoảng 10-20km mỗi ngày xem. Bao nhiêu người sẽ chịu được. Chưa kể nỗi cô đơn, sự yếu lòng những khi chỉ có một mình nơi bãi hoang, nghĩa địa, rồi khi gặp kẻ xấu, người hiểu lầm đánh chửi, sỉ nhục, xua đuổi, chế giễu?

Bởi thế, nhìn ông tôi tự thấy trong cuộc đời đầy gian khó này, muốn làm được điều gì thì phải có nghị lực và phải rèn luyện nó mỗi ngày và phải dựa vào chính mình chứ không phải dựa vào lời khen, tiếng chê của người ngoài. Người tâng bốc, phỉnh nịnh ta hôm nay rất có thể sẽ trở thành kẻ chê cười, nhục mạ ta ngày mai.

(3) Cho dù bị đám đông đeo bám, youtuber, tiktoker làm tình làm tội, bị ra văn bản công kích, bị một số người xúc phạm nặng nề nhưng ông vẫn đi đứng khoan thai, nói năng từ tốn, cử chỉ nghiêm trang ngay cả khi ngủ. Ông cũng nói những lời rất tốt đẹp với cả những kẻ nói xấu mình, công kích mình.

Đấy là biểu hiện của một người có khả năng tự chế rất cao, có tinh thần khoan dung sâu sắc. Đấy là điều tôi rất cần học tập. Thiếu tự chế và khoan dung rất khó sống hạnh phúc, ung dung tự tại và hòa hợp với mọi người.

(4) Ông xưng “con” với mọi người và giải thích rằng ông xưng hô như vậy là vì coi ai cũng có tính Phật, luôn mong mọi người đều thành Phật để ông học hỏi. Nhiều người cho rằng như vậy là ông khiêm tốn. Điều đó là tất nhiên.

Nhưng tôi thì cho rằng không chỉ khiêm tốn ông còn nhìn ra một điều mà nhiều người không nhìn ra hoặc quên. Khi ta coi thành công của người khác, sự ưu tú của người khác cũng là điều tốt cho ta, giúp ích cho ta thì ta sẽ luôn vui vẻ và có cơ hội học hỏi được nhiều thứ. Người nào coi thành công của người khác là mối đe dọa hoặc sự thất bại của mình thì người đó sẽ luôn sống trong khổ sở vì dễ sinh lòng đố kị, ghen ghét.

(5) Nhiều người lo ngại rằng “Ông cứ đi bộ thế rồi cả nước theo ông lấy gì mà ăn?”. Đúng là thế thật! Nếu trai tráng, đàn ông mà bỏ nhà bỏ cửa đi theo ông Minh Tuệ hết thì đúng là lấy gì mà ăn, lấy đâu ra sự phát triển?

Nhưng lo thế là lo hão! Hãy nhìn lại lịch sử thế giới xem những nhân vật như chúa Giê-su, Đức Phật, Khổng tử, Socrates, Lão Tử… thu hút được bao nhiêu người bỏ nhà bỏ cửa đi theo, sống cuộc đời hệt như họ? Chẳng có mấy ai đâu!

Số người nhìn vào họ để học lấy một điều gì đó, ứng dụng vào cuộc sống của mình hoặc để suy ngẫm cũng chẳng thấm gì so với số đông. Thế nên thế giới cho tới giờ vẫn không ngơi tiếng súng, loài người vẫn khổ sở tranh giành, chém giết nhau vì nhiều thứ vô cùng vớ vẩn.

Lo thế khác gì lo nghệ sĩ chơi đàn giỏi, cầu thủ đá bóng giỏi làm cho cả nước đi chơi đàn, đá bóng không còn ai làm ăn, học hành, sản xuất?

Những thứ có hại về cơ bản luật cấm cả rồi. Còn lại hữu dụng thế nào là tùy vào nhận thức của người quan sát mà thôi.



 

Bài viết cùng danh mục
Nguyễn Quốc Vương 19/09/2023
Thương nhớ hoa sim
Nguyễn Quốc Vương 22/09/2023
Xác Ướp
Nguyễn Quốc Vương 11/10/2023
Lễ Hội Kéo Co ở Nhật Bản
Nguyễn Quốc Vương 20/11/2023
Quan hệ triều cống Trung-Xiêm (IV)
Nguyễn Quốc Vương 04/11/2023
Hoa anh đào và cái đẹp mong manh.