Cô nàng cửa hàng tiện ích-mơ hồ mà ám ảnh

Nguyễn Quốc Vương 28/07/2024
Giới thiệu sách


Đã lâu lắm tôi mới lại thức đến gần 2 giờ sáng để đọc sách. Trước kia khi còn độc thân khi gặp sách hay tôi thường đọc qua 0 giờ có khi đến tận sáng.

Cuốn tiểu thuyết “Cô nàng tiện ích” (An Vy dịch,Nhã Nam, 2019)-tạm gọi thế vì nó rất mỏng của nữ nhà văn Nhật Bản Murata Sayaka đã bán được 1,5 triệu bản ở Nhật Bản, được dịch ra nhiều thứ tiếng, giành giải thưởng danh giá Akutagawa năm 2106 dù nhà văn còn rất trẻ (sinh năm 1979).

Khi còn lang thang đọc cọp sách ở hiệu sách nằm trong tòa nhà Daiwa ở thành phố Kanazawa (Nhật Bản), tôi đã từng một hai lần cầm cuốn sách này lên khi nó được bày ở góc sách bán chạy nhưng tôi chỉ lướt qua rồi lại đặt xuống. Có quá nhiều sách để đọc ở đó.

Nếu là người đã quen với lối đọc chạy theo cốt truyện và các tình tiết li kì hay các pha tình cảm ướt át, ta sẽ thất vọng khi không thấy chúng trong cuốn sách mỏng này.

Một phụ nữ độc thân, nhan sắc có lẽ cũng thường (vì tác giả không có dòng nào mô tả cụ thể), 36 tuổi làm việc 18 năm như là một nhân viên bán thời gian ở cửa hàng tiện lợi.



Cuộc sống chỉ như con thoi chạy giữa phòng trọ rẻ tiền và cửa hàng tiện lợi.

Một gã đàn ông gầy, bẩn, 35 tuổi cũng độc thân vào cửa hàng tiện lợi làm với mục đích như gã nói là “Kiếm vợ”.

Họ tình cờ gặp nhau ở đó và giữa họ có một giao kèo khó tưởng tượng.

Cả hai đều có lối suy nghĩ, cảm giác đối với cuộc sống khác hẳn người thường vì thế luôn bị xung quanh soi mói và cảm thấy lạc lõng. Người đàn ông cố gắng chống lại những người xung quanh hoặc chạy trốn họ. Người phụ nữ sau một hai lần phản kháng bất thành thời còn đi học, thì nhận ra bản thân chỉ cảm thấy thoải mái khi nói, nghĩ, làm như người ở xung quanh, và trở thành một mắt xích của vòng quay xã hội, một “nhân viên” của cửa hàng tiện ích.

Nhiều người thường kêu văn chương Nhật khá khó hiểu và hơi kì dị!

Quả đúng thế!

Những thông điệp hay ẩn ý thường được giấu sau một lớp sương mờ.

Để giải mã cần đến cả những trải nghiệm văn hóa và thông tin về xã hội Nhật đương đại. Ta sẽ thấy ở đây những từ khóa quan trọng bộc lộ xã hội Nhật đương đại-bối cảnh của câu chuyện, cho dù chúng không trực tiếp xuất hiện: “xã hội vô duyên”, cô độc hóa, già hóa dân số, NEET (người không đi học, không đi làm, không có việc), Freeter, bankon (kết hôn muộn), lao động giá rẻ nước ngoài, đội thắng-đội thua…

Cái hay và hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết nằm ở sự mơ hồ ấy. Nó tạo ra một sự ám ảnh.

Gấp sách lại, rất có thể người đọc sẽ giật mình nhận ra có phải chăng mỗi ngày mình cũng đang làm trong một cửa hàng tiện ích.

Bài viết cùng danh mục