CHIẾN LƯỢC GIÁO DỤC CỦA NHẬT BẢN TRONG THẾ KỈ 21 (PHẦN 2)

Nguyễn Quốc Vương 04/05/2024
Giáo dục Việt Nam và Nhật Bản

PHẦN 2. VỀ VAI TRÒ VÀ SỰ LIÊN KẾT GIỮA TRƯỜNG HỌC, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI ĐỊA PHƯƠNG

Chương 1. Về giáo dục trường học từ giờ về sau

Lấy giáo dục “năng lực sống” làm nền tảng, hướng đến việc chuyển đổi từ giáo dục có xu hướng dạy nhồi nhét tri thức sang giáo dục tự học, tự mình suy nghĩ. Để thực hiện được điều này, trường học phải triển khai các hoạt động giáo dục có sự “thong thả” coi trọng từng học sinh trong môi trường giáo dục có tính “thong thả”.

Khi sửa đổi khóa trình giáo dục tiếp theo

– Tuyển chọn kĩ nội dung giáo dục và thực hiện triệt để việc biên soạn nên nền tảng cơ bản.
– Tuyển chọn nội dung giáo dục kĩ tạo ra nền tảng căn bản, giảm thời lượng giờ học (lựa chọn nội dung để tránh trùng lặp các nội dung giữa các bậc học, năm học dễ rơi vào tình trạng dạy ghi nhớ kiến thức thuần túy).

– Cần nghiên cứu đầy đủ tính cần thiết của việc sử dụng nội dung ứng phó với nhu cầu mới của xã hội trong giáo dục trường học và trong trường hợp đưa vào nội dung mới thì cần phải lựa chọn kĩ để bỏ đi những nội dung có tính cấp thiết thấp.

– Xúc tiến giáo dục nhằm phát huy cá tính của từng học sinh (linh hoạt hóa khóa trình giáo dục, cải thiện phương pháp chỉ đạo, xúc tiến mạnh hơn việc xây dựng nên các trường học đặc sắc)

– Mở rộng biên độ lựa chọn số lượng giờ học đối với từng môn giáo khoa ở cấp trung học cơ sở.

– Cắt giảm số đơn vị tín chỉ và nội dung của các môn học, phân môn bắt buộc ở trường trung học phổ thông, mở rộng sự lựa chọn của học sinh. Đối với hoạt động tình nguyện, các đơn vị tín chỉ ở đại học sẽ xem xét tích cực việc mở ra con đường công nhận tín chỉ theo phương thức của từng trường. Xúc tiến chuẩn bị môi trường vật chất cần thiết cho việc học tập môn tổng hợp ở trong phạm vi khu vực học sinh đi học.

– Cải cách giáo dục để giáo dục nên con người có tính người phong phú và và thân thể khỏe mạnh.

– Làm phong phú hơn nữa giáo dục tạo ra tính người phong phú thông qua tất cả các hoạt động giáo dục như giáo dục đạo đức, hoạt động đặc biệt, các môn giáo khoa. Khi đó, đặc biệt cần phải làm phong phú các hoạt động trải nghiệm như hoạt động tình nguyện, trải nghiệm thiên nhiên, trải nghiệm nơi làm việc.
– Thúc đẩy các thực tiễn hoạt động nâng cao sức khỏe thân thể và tâm hồn cũng như các hoạt động thể thao thường ngày, xây dựng nền tảng cho cuộc sống khỏe mạnh suốt cả cuộc đời.

– Để thúc đẩy thêm nữa sự chỉ đạo theo chiều ngang, chỉ đạo tổng hợp, cần phải tạo ra thời gian bằng việc tuyển chọn nghiêm ngặt nội dung giáo dục của từng môn giáo khoa và đặt ra thời gian nhất định (thời gian học tập tổng hợp)

– Với tư cách là hoạt động học tập trong thời gian này sẽ có học tập tổng hợp, học tập theo chủ đề, học tập trải nghiệm về hiểu biết quốc tế, thông tin, môi trường, tình nguyện, trải nghiệm tự nhiên tuy nhiên cần phải triển khai tùy theo tình hình thực tế của các cấp học, các giai đoạn phát triển của học sinh và địa phương để phát huy được sự công phu, sáng tạo dựa vào sự quyết đoán của từng trường học. Khi đó không tiến hành đánh giá điểm số dựa vào thành tích thi cử.

Để sửa đổi khóa trình giáo dục trong tương lai

– Cần phải bắt đầu nghiên cứu khẩn trương về cơ cấu của các môn giáo khoa trong tương lai bao gồm cả việc tái cơ cấu và thống hợp các môn giáo khoa. Để làm được, cần phải thành lập Ủy ban thường vụ đảm trách việc nghiên cứu điều tra liên tục về chúng nằm trong Hội đồng thẩm định khóa trình giáo dục và kết quả thẩm định đó phải được phản ánh trong chính sách thực thi.
Xây dựng các điều kiện cần thiết để thực hiện giáo dục trường học mới.

– Để thực hiện được giáo dục trường học mới, cần nỗ lực xây dựng các điều kiện khác nhau.

– Cải thiện việc bố trí giáo viên (Tiến gần tới tiêu chuẩn số lượng học sinh/01 giáo viên tương đương với Âu Mĩ)
– Nâng cao năng lực, phẩm chất của giáo viên (làm phong phú và cải cách việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cải cách việc tuyển dụng giáo viên)

Đặc biệt về đào tạo giáo viên cần phải nghiên cứu về việc cải cách, làm phong phú việc lựa chọn, bố trí các môn học về nghề nghiệp bao gồm cả tư vấn giáo dục, hoạt động thực tập giáo dục, việc đào tạo sử dụng khóa trình thạc sĩ…Ngoài ra cần cố gắng cải cách việc nghiên cứu, giáo dục ở các đại học đào tạo giáo viên.

– Sử dụng những người trưởng thành bên ngoài trường học (sử dụng chế độ thỉnh giảng đặc biệt, gia tăng số giáo viên ALT, SE).
– Xây dựng môi trường giáo dục bao gồm cả các cơ sở trường học (môi trường tạo ra sự thong thả, tạo ra môi trường có mạng lưới thông tin).

– Hợp tác với các cơ quan, nhà chuyên môn có liên quan (tư vấn học đường), tăng cường, bổ sung việc bố trí nhân viên tư vấn học đường.

– Làm phong phú giáo dục mầm non (Cần phải xem xét về giáo dục trẻ thời kì ấu nhi từ tầm nhìn rộng rãi như làm phong phú chức năng các nhà trẻ, trường mẫu giáo ở địa phương với tư cách như là trung tâm giáo dục trẻ).

– Làm phong phú giáo dục có cân nhắc đến trẻ khuyết tật (giáo dục “năng lực sống” cho trẻ bị khuyết tật, làm phong phú và cải cách nội dung, phương pháp giáo dục đứng trên quan điểm làm cho trẻ có thể tự lập và tham gia vào xã hội ở phạm vi có thể, xây dựng các điều kiện phục vụ giáo dục, xúc tiến giáo dục giao lưu, xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non và đại học, làm phong phú giáo dục nghề nghiệp, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên).

Chương 2. Giáo dục gia đình từ giờ về sau

– Người chịu trách nhiệm cuối cùng đối với việc giáo dục trẻ và hình thành nhân cách của trẻ là gia đình. Giáo dục gia đình sẽ giáo dục các phẩm chất, năng lực cơ bản của “năng lực sống” thông qua việc tương tác qua lại của trẻ với gia đình và là xuất phát điểm của tất cả giáo dục.

– Việc đảm bảo thời gian bên gia đình rất quan trọng. Để làm được điều đó thì cần xúc tiến các điều kiện nhằm đảm bảo sự “thong thả” trong toàn thể xã hội.

– Kêu gọi trách nhiệm đối với giáo dục gia đình của các ông bố và sự hợp tác của các doanh nghiệp.

Biện pháp làm phong phú giáo dục gia đình

– Làm phong phú cơ hội học tập liên quan đến giáo dục gia đình (Ví dụ như cung cấp cơ hội học tập sử dụng các phương tiện truyền thông mới)

– Xúc tiến xây dựng mạng lưới trợ giúp giáo dục trẻ trong phạm vi sinh hoạt thường ngày.

– Làm phong phú các cơ hội trải nghiệm chung giữa bố mẹ và con cái (ví dụ hoạt động tình nguyện)

– Giúp đỡ, khuyến khích sự tham gia của người bố vào giáo dục gia đình (Cung cấp cơ hội học tập về giáo dục gia đình ở nơi làm việc)

Nguyễn Quốc Vương dịch

(Còn tiếp)

Bài viết cùng danh mục