Mươi năm trở lại đây, “bạo lực học đường” trở thành từ khóa “nóng” trên internet, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề cũng như sự quan tâm của giới truyền thông, dư luận trước hiện tượng này. Cho dù vậy, ở Việt Nam bạo lực học đường chủ yếu vẫn chỉ được xã hội biết tới thông qua truyền thông đại chúng.
Ở Việt Nam ít thấy có các nghiên cứu về bạo lực học đường dài hơi, nhất là nghiên cứu so sánh với các nước trong khu vực và trên giới được công bố rộng rãi và gây ảnh hưởng lớn. Trong bài viết này, người viết sẽ phác vài nét về bạo lực học đường ở Nhật cũng như ở Việt Nam, từ đó suy ngẫm về giải pháp cho tình trạng này.
Bạo lực học đường ở Nhật Bản
Ở Nhật thông thường bạo lực học đường được hiểu là hành vi bạo lực diễn ra ở trong trường học bao gồm các vụ bạo lực giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên và học sinh.
Trong những năm 70-80 của thế kỷ XX, bạo lực học đường chủ yếu diễn ra ở các trường trung học cơ sở và một bộ phận trung học phổ thông. Tuy nhiên từ năm 1995 trở đi, bạo lực phát sinh ngày một nhiều ở tiểu học. Bạo lực học đường đã trở thành tâm điểm của truyền thông, thậm chí trở thành chủ đề của phim ảnh.
Năm 1980, bộ phim truyền hình Thầy Kinbachi lớp 3B lấy chủ đề bạo lực học đường đã thu hút được sự chú ý của công chúng. Năm 1984, bộ phim School Wars chủ đề tương tự với bối cảnh trường trung học cũng gây ấn tượng mạnh khi mở đầu bằng cảnh học sinh chạy xe mô tô trong hành lang sân trường, phá vỡ kính cửa sổ và cảnh các thiếu niên phạm tội bị cảnh sát dẫn đi.
Cảnh học sinh bị bắt nạt ở trường trung học cơ sở Rikkyo – Tokyo, 1999. Ảnh: NOOR
Bạo lực học đường về sau được thừa nhận đã diễn tiến hay biểu hiện dưới một dạng khác được gọi là “bắt nạt” (ijime). Đặc biệt nạn bắt nạt gia tăng đột biến sau năm 1985. Những năm gần đây, tình trạng này ngày càng nghiêm trọng và nước Nhật đã có hẳn bộ luật mang tên “Luật xúc tiến các biện pháp phòng chống bắt nạt” (Bộ luật số 71 công bố năm 2013). Điều 4 luật này nghiêm cấm hành vi bắt nạt và điều 25, 26 ghi rõ hành vi xử phạt đối với những kẻ bắt nạt là “đình chỉ học” hoặc “xử phạt hành chính”.
Hành vi bắt nạt ở trường học Nhật Bản có biểu hiện rất đa dạng. Có thể diễn ra dưới hình thức đánh nhau hoặc các hình thức khác như đe dọa, giấu đồ đạc, tẩy chay không chơi cùng, không nói chuyện và gần đây khi mạng xã hội được học sinh sử dụng rộng rãi thì còn xuất hiện cả hình thức “bắt nạt trên mạng”. Nhiều học sinh đã dùng mạng xã hội nói xấu hoặc nói những lời gây tổn thương một học sinh nhất định nào đó khiến cho học sinh đó không dám đến trường, buồn chán dẫn tới trầm cảm thậm chí tự sát.
Trước tình hình trên, Bộ Giáo dục – Văn hóa – Thể thao – Khoa học và Công nghệ Nhật Bản tháng 8.2004 đã công bố báo cáo “Về tình trạng hành vi có vấn đề của học sinh năm 2003”với các kết quả điều tra thực tiễn và đề xuất các giải pháp vĩ mô. Hiện nay cho dù các vụ bạo lực học đường giảm đáng kể, các vụ bắt nạt với những hình thức tinh vi, khó phát hiện lại tăng lên. Ngày khai trường 1.9 hàng năm trở thành ngày “đáng sợ” của nhiều học sinh, gia đình người Nhật. Số liệu thống kê cho thấy sau ngày đi học đầu tiên này đã xảy ra nhiều vụ học sinh tự sát hoặc từ chối đến trường do sợ bị bắt nạt.
Bạo lực học đường ở Việt Nam
Cho dù ở Việt Nam không có các nghiên cứu thống kê đáng tin cậy hay các cuộc điều tra chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình trạng bạo lực trong nhà trường, người ta vẫn nhận thấy tình hình khá nghiêm trọng. Truyền thông mạng đã làm cho các bức tường ngăn cách thông tin trở nên trong suốt khiến cho vấn đề bạo lực học đường lộ ra ánh sáng.
Rất nhiều clip quay bằng điện thoại cho thấy cảnh giáo viên bạo hành học sinh, cảnh học sinh đánh nhau sử dụng cả hung khí, cảnh nữ sinh đánh bạn bằng những đòn rất tàn bạo sau đó lột quần áo đối phương, quay clip đưa lên mạng hạ nhục. Có clip còn ghi lại cả cảnh học sinh tiểu học dùng gậy và ghế đánh vào đầu bạn trước sự thờ ơ của nhiều bạn cùng lớp.
Khó có thể kể hết các vụ bạo lực học đường, nhưng chúng ta có thể phần nào hình dung mức độ nghiêm trọng và phổ biến của nó qua năm vụ bạo lực học đường gây phẫn nộ năm 2016 được một tờ báo mạng tổng kết. Năm vụ này được xếp theo thứ tự:
Cô giáo đánh tím mặt học sinh vì viết sai chính tả: một cô giáo ở Lào Cai đánh tím mặt mũi một học sinh lớp Một chỉ vì em viết sai chính tả và viết chậm.
Nữ sinh đánh nhau như phim chưởng: clip 1 phút 40 giây ghi lại cảnh nữ sinh bị đánh hội đồng bằng dép và bị nhiều nữ sinh khác tát, đạp. Kết quả xác minh cho thấy đây là các nữ sinh THCS ở Nghệ An.
Sáu nam sinh bị giáo viên đánh chỉ vì một cái ghế gãy: thầy giáo chủ nhiệm ở trường Tiểu học – THCS Bến Ván (Thừa Thiên – Huế) dùng thước đánh sáu nam sinh bầm tím đùi, mông vì một lỗi nhỏ.
Nữ sinh bị đánh hội đồng đến ngất xỉu: hai nữ sinh ở Thanh Hóa đánh một nữ sinh khác đến ngất xỉu.
Bị đánh dã man và tè vào mặt vì thiếu 5 nghìn “tô”: năm học sinh đánh đập một nam sinh mặc kệ nạn nhân khóc lóc van xin và sau đó một thủ phạm còn tè bậy trước mặt nạn nhân.
So sánh sơ bộ sẽ thấy trong khi ở Nhật Bản tình trạng giáo viên có hành vi bạo lực với học sinh đã trở nên hiếm hoi thì ở Việt Nam nó vẫn là chủ đề “nóng”. Ở Việt Nam người ta cũng chỉ mới chú ý đến các hành vi bạo lực trực tiếp giữa các học sinh mà chưa chú ý tới mức độ nghiêm trọng của các hành vi “bắt nạt” khác như tẩy chay, nói xấu, đe dọa…
Ứng phó thế nào?
Bạo lực học đường là một hiện tượng xã hội có quan hệ mật thiết với nhiều vấn đề và hiện tượng xã hội khác. Chẳng hạn ở Nhật nó có mối quan hệ khá mật thiết với bối cảnh xã hội chạy đua bằng cấp và thi cử trong những năm 70-80 thế kỷ trước, với sự sụp đổ của xã hội truyền thống khi đất nước công nghiệp hóa cao độ và các gia đình truyền thống chuyển hóa thành gia đình hạt nhân… Do công nhận đó là một hiện tượng xã hội nghiêm trọng cho nên ở Nhật đã có sự ứng phó ở tầm quốc gia.
Về cơ bản hiện nay, ở Nhật, các địa phương, trường học thực hiện các biện pháp sau để hạn chế và phòng ngừa bạo lực, bắt nạt học đường:
Thứ nhất là tăng cường trao đổi thông tin, liên lạc phối hợp hành động giữa nhà trường, hội giáo viên – phụ huynh, chính quyền và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ giáo dục ở địa phương.
Thứ hai là bố trí chuyên gia tư vấn tâm lý ở trường học để trợ giúp học sinh, phát hiện sớm và ngăn chặn các hành vi bạo lực.
Thứ ba là dạy về tình hình bạo lực học đường, nạn bắt nạt và các biện pháp phòng chống trong các môn học xã hội, đời sống…
Thứ tư là huy động và tạo điều kiện cho các tổ chức phi lợi nhuận tham gia trợ giúp, tư vấn cho cả học sinh là thủ phạm và nạn nhân của bạo lực học đường, bắt nạt học đường.
Ở Việt Nam thì sao? Có vẻ như sự ứng phó của trường học và những ngành, những người có liên quan khá lúng túng. Rất nhiều vụ bạo lực học đường nghiêm trọng chỉ được điều tra và xử lý khi clip quay lại sự việc được tung lên mạng. Cách xử lý cũng mang tính thời vụ và giải quyết phần ngọn như đình chỉ học tập hay đuổi học. Việc tư vấn tâm lý và hỗ trợ cho cả thủ phạm và nạn nhân hầu như không được đặt ra và tiến hành trong thực tế. Về mặt vĩ mô, cho đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có một cuộc tổng điều tra trên toàn quốc về bạo lực học đường để lấy dữ liệu cơ sở phục vụ cho việc đề ra chính sách ứng phó thích hợp.
Thử hình dung với nền tảng xã hội và giáo dục hiện có, chúng ta sẽ đối mặt thế nào khi bạo lực học đường diễn tiến theo chiều hướng xấu với những biểu hiện tinh vi như Nhật Bản đang đối mặt?
Nhiều người có vẻ “vui mừng” khi cho rằng ngay cả ở nền giáo dục phát triển như Nhật Bản, nạn bắt nạt trường học vẫn còn xảy ra nghiêm trọng thì những bất cập trong trường học của Việt Nam là chuyện đương nhiên. Đấy là một suy nghĩ thiển cận, tự ru ngủ chính mình và trốn tránh trách nhiệm. Hãy nhớ rằng, Nhật Bản đối mặt với nạn bạo lực học đường khi đã đạt đến đỉnh cao tăng trưởng kinh tế và trở thành cường quốc.
Chúng ta hiện tại vẫn chưa hề trở thành một nước công nghiệp, nhưng về mặt xã hội đã phải đối mặt với các vấn đề của xã hội công nghiệp thậm chí hậu công nghiệp. Đấy là một nguy cơ lớn đe dọa đến an sinh và hạnh phúc. Thử hình dung với nền tảng xã hội và giáo dục hiện có, chúng ta sẽ đối mặt thế nào khi bạo lực học đường diễn tiến theo chiều hướng xấu với những biểu hiện tinh vi như Nhật Bản đang đối mặt? Trên thực tế, không khó để nhận ra rằng các hình thức tinh vi của nó đã xuất hiện trong trường học. Nhìn thẳng vào thực tế để có các nghiên cứu điều tra ở tầm vĩ mô, từ đó có các chính sách lớn phù hợp là việc không thể không làm.
Sự chủ động của các trường học và phụ huynh học sinh, các tổ chức dân sự cũng là nhân tố tích cực góp phần phòng chống bạo lực học đường trong bối cảnh hiện nay.
Nguyễn Quốc Vương
http://nguoidothi.net.vn/bao-luc-hoc-duong-nhin-tu-nha-truong-nhat-ban-va-viet