Không hiểu sao khi đọc xong cuốn sách “Đừng ép con phải ngoan” (tác giả: Shibata Aiko-Arai Piroyo, người dịch: Nguyễn Đỗ An Nhiên, Ehomebooks, 2021) và bắt tay vào viết vài dòng giới thiệu, tôi lại không thể ngăn được mình nghĩ đến việc nuôi dạy con ở Việt Nam.
Có lẽ không thể nào tìm được từ nào phổ biến hơn từ “ngoan” khi nói về những gì thuộc về mục tiêu nuôi dạy trẻ ở nước ta. Có chăng sánh được ở mức độ nào đó là từ “giỏi” mà thôi. Cả hai đã cùng có mặt trong một cụm từ phổ biến đến “ám ảnh” không biết bao nhiêu thế hệ, nhất là các bạn sinh từ năm 2000 trở lại đây- “con ngoan trò giỏi”.
Cụm từ ấy biểu thị rất rõ hình ảnh con người tương lai mà bố mẹ mong muốn con mình sẽ trở thành. Tại sao “con ngoan, trò giỏi” lại được bố mẹ người Việt chúng ta kì vọng và hướng đến?
Có nhiều lý do nhưng có lẽ lý do lớn nhất là bằng trải nghiệm thực tế trong xã hội xung quanh, trong cuộc sống đời thường, cha mẹ thấy rằng những đứa trẻ ngoan ngoãn luôn nghe lời người lớn, biết hành xử theo trật tự người lớn sắp sẵn thì thường được những người xung quanh yêu mến và ở trường nếu học giỏi, nghe lời thầy cô, có điểm số cao thì luôn được bạn bè kính nể, thầy cô khen ngợi.
Có lẽ đa số những người kì vọng “con ngoan trò giỏi” là những người đã từng có trải nghiệm như thế hoặc có niềm tin rằng cuộc đời của con người giống như một chuyến tàu chạy trên đường ray, chỉ cần đặt tàu lên đường ray và cố chạy thật nhanh, không rẽ dọc rẽ ngang, cuối cùng chắc chắn sẽ đến đích.
Tuy nhiên, nếu tỉnh táo một chút ta sẽ thấy, mô hình “con ngoan trò giỏi” đã từng rất đắc dụng nhưng liệu nó có còn đắc dụng nữa hay không khi xã hội trong khoảng 20 năm trở lại đây đã chuyển biến vô cùng nhanh chóng. Thay vì là một xã hội nông nghiệp thuần túy với nền kinh tế và thói quen sinh hoạt tương đối ổn định được duy trì trong thời gian dài, xã hội hiện tại đang dần chuyển đổi mỗi lúc một nhanh thành xã hội công nghiệp hiện đại với đô thị hóa, thông tin hóa, dân chủ hóa…
Mô hình con người ngoan ngoãn, tin tưởng vào các giá trị chuẩn mực được những người bề trên quyết định sẵn, những chân lý được truyền dạy thuộc nằm lòng, những mô thức hành động được dẫn dắt…dần dần trở thành lạc hậu. Đơn giản vì trong xã hội hiện đại và biến đổi nhanh, con người ngoan ngoãn không phát huy được cá tính và tài năng của bản thân trong môi trường luôn đòi hỏi sự sáng tạo và can đảm. Khi không đủ can đảm để sáng tạo anh sẽ đi theo một lối mòn và khi xã hội tiến lên với gia tốc nhanh, thay đổi nhanh chóng, anh sẽ bị vượt qua, bị dẫm đạp và chìm lấp.
Tuy nhiên, cho dù xã hội và thế giới xung quanh chuyển biến, để nhận ra, tĩnh tâm và điều chỉnh thái độ, hành vi ứng xử, công việc nuôi dạy con ở phụ huynh không phải là việc dễ. Có bao nhiêu cha mẹ trong cuộc sống mưu sinh tất bật hàng ngày và trong vòng quay của điểm số, thi cử, chọn trường, chọn lớp của con luôn tỉnh táo đặt ra câu hỏi trong đầu mình “Rốt cuộc, mình muốn con mình thành người như thế nào?”
Có phải là chúng ta, những người làm cha làm mẹ trong cuộc sống thường ngày vẫn luôn nổi nóng, trách mắng, quát tháo khi lũ trẻ tỏ ra không ngoan? Có phải chăng chúng ta luôn cảm thấy thất vọng và cay đắng, bất lực khi con mình không hành động giống như là mình muốn, mình nghĩ?
Là một người bố có ba đứa con nhỏ mà đứa lớn nhất vẫn chưa vào lớp một tôi thừa nhận mình đôi khi vẫn phạm phải sai lầm đó.
Bởi thế, tôi nghĩ cuốn sách “Đừng ép con phải ngoan” này sẽ giúp phụ huynh bình tâm và nhìn lại chính mình, cũng như việc nuôi dạy con. Cuốn sách có thể sẽ làm nhiều người say mê tìm kiếm các kĩ thuật, phương pháp cụ thể thất vọng vì nó không trình bày chi tiết về những điều đó. Tuy nhiên, đổi lại, cuốn sách được viết với lối tư duy thẳng thắn và đề cập, phân tích một số vấn đề cơ bản và quan trọng nhưng rất dễ bị lãng quên, lầm lạc. Đối với bản thân tôi khi đọc xong cuốn sách này, tôi tự rút ra cho mình mấy điểm quan trọng.
Thứ nhất, cha mẹ không nên nôn nóng, đốt cháy giai đoạn khi kì vọng vào đứa trẻ chưa đầy ba tuổi khi bắt trẻ phải hành xử làm đẹp lòng người lớn xung quanh. Sự trưởng thành của trẻ phải có đủ điều kiện thời gian, thể chất. Vì vậy, cách tốt nhất là cha mẹ phải chấp nhận trẻ thơ và rèn luyện bản thân mình để cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn.
Thứ hai, cuốn sách nhắc nhở chúng ta, những người lớn nắm giữ quyền lực và quyền uy trong tay phải biết coi trọng và gìn giữ thiên tính, giữ gìn cái tôi thuộc về bản chất tự nhiên của trẻ và tránh hết sức làm tổn hại nó.
Thứ ba, cuốn khẳng định một điều quan trọng mà người xưa làm rất tốt nhưng người hiện đại chúng ta lại lãng quên. Đó là “nếp sinh hoạt điều độ”. Tác giả viết “Tôi chỉ mong các bậc phụ huynh cố gắng làm điều này. Chỉ cần định sẵn một mức độ nào đó cho thời gian sinh hoạt cơ bản gồm giờ thức dậy buổi sáng, giờ ăn, giờ ngủ, thì sinh hoạt của trẻ sẽ rất ổn định.”. Trước đó, trong “Sổ tay giáo dục gia đình Nhật Bản” do Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể Thao, Khoa học và Công nghệ biên soạn (Nguyễn Quốc Vương dịch, Ehomebooks, 2016), nội dung này đã được nhấn mạnh và tổng kết thành ba việc “Ngủ sớm, dậy sớm và ăn sáng”. Trên thực tế, nước Nhật có cả những tổ chức có quy mô toàn quốc chuyên thúc đẩy phong trào này. Ở Việt Nam, vấn đề đời sống trẻ em bị phá vỡ bởi lối sống đô thị thiên về đêm của người lớn đang là vấn đề đáng lưu tâm.
Cuốn sách được viết bởi một người gần như dành cả cuộc đời cho việc nuôi dạy trẻ, một người làm công việc giống như người mẹ, thậm chí vất vả hơn người mẹ vì phải tiếp xúc, chăm sóc với rất nhiều trẻ có thể chất, cá tính, tính cách khác nhau. Mỗi bạn đọc, từ trải nghiệm, nền tảng kiến thức của chính mình sẽ tìm thấy ở đây những điều hữu ích.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.